Chứng khoán tuần tới tiếp tục giảm?

PV-Chủ nhật, ngày 08/05/2022 06:05 GMT+7

Hình minh họa.

VTV.vn - Tuần giao dịch từ 2 - 6/5 là tuần giảm điểm thứ năm liên tiếp của thị trường chứng khoán Việt Nam. Lần gần nhất mà thị trường có 5 tuần giảm liên tiếp là từ tháng 7/2018.

Giới phân tích nhận định, việc thanh khoản suy giảm cho thấy lực cầu yếu, xu hướng ngắn hạn và trung hạn của thị trường trở lại trạng thái giảm điểm.

Dòng tiền thận trọng

Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, thị trường giảm phiên cuối tuần (6/5) không nằm ngoài dự đoán của các nhà đầu tư, khi giới đầu tư vừa dõi theo những diễn biến về căng thẳng giữa Nga và Ukraine vừa tiếp tục cuộc tranh luận về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất.

Điểm đáng chú ý trong phiên cuối tuần, ngoài việc thanh khoản vẫn ở mức thấp thì diễn biến giảm của thị trường ở nửa cuối phiên chiều đến từ nhóm cổ phiếu đầu cơ bị bán mạnh là tác nhân chính khiến thị trường giảm sâu.

Điều này khiến chỉ số VN-Index không thể giữ ngưỡng hỗ trợ 1.330 điểm và nguy cơ sẽ kiểm tra lại mức đáy ngắn hạn tuần trước ở ngưỡng 1.260 điểm.

Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nêu quan điểm, với quán tính giảm hiện tại, nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục kiểm định lại vùng hỗ trợ tiếp theo nằm tại khu vực 1.320 - 1.300 điểm. "Trong trường hợp chỉ số hình thành và hoàn tất mẫu hình 2 đáy trong các phiên tới, nhà đầu tư có thể bắt đầu gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trở lại", SSI khuyến nghị.

Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), thị trường chứng khoán giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ lễ đã phải đối mặt với việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), chứng khoán thế giới cũng có mức biến động lớn khi sự kiện này diễn ra.

Chỉ giao dịch 3 phiên trong tuần, VN-Index đã có 2 phiên giảm và 1 phiên tăng đan xen và chốt tuần tại 1.329,26, mức thấp nhất tuần, giảm 37,54 điểm. Mức giảm này đến từ diễn biến giảm điểm của nhóm các cổ phiếu nhóm bất động sản và chứng khoán.

Các cổ phiếu giảm mạnh của các nhóm chứng khoán như: VND giảm 12,9%, SSI giảm 14%. Các mã bất động sản như: DIG giảm 16,8%, BCM giảm 6,3%, DXG giảm 11,1%. Ở chiều ngược lại, VHM tăng 5,7% trong tuần đã nâng đỡ khá nhiều cho chỉ số VN-Index.

Khối ngoại giao dịch khá cân bằng khi chỉ bán ròng hơn 50 tỷ đồng trong tuần. Bên phía mua ròng, NLG là cổ phiếu được mua nhiều nhất với giá trị 330 tỷ đồng, tiếp đến là VHM với giá trị 80 tỷ đồng. Trong khi đó bên phía bán ròng VCB, VNM và KDH là 3 mã được bán ròng nhiều nhất với giá trị lần lượt 77 tỷ đồng, 69 tỷ đồng và 67 tỷ đồng.

Nhịp hồi phục của VN-Index chỉ kéo dài 4 phiên và tạm dừng ở mức 1.370 sau khi hồi phục gần 110 điểm. Xu hướng ngắn hạn và trung hạn trở lại trạng thái giảm điểm. Các mức hỗ trợ của chỉ số hiện tại là hỗ trợ tâm lý 1.300 và sâu hơn là vùng đáy cũ tại 1.260 - 1.280. VN-Index đang có mức P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu) là 14,5 lần.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, trong thời gian gần đây, thị trường đã có những phiên tăng giảm trái ngược nhau, do thị trường giao dịch trên nền thanh khoản thấp. Thanh khoản thấp cũng thể hiện dòng tiền đang thận trọng và e ngại những rủi ro tiềm ẩn. Việc thiếu vắng dòng tiền hỗ trợ cũng như cổ phiếu có thể ổn định thị trường.

Với trạng thái mất cân bằng hiện tại, có khả năng VN-Index sẽ cần thời gian để kiểm tra lại vùng 1.315 điểm trong phiên giao dịch tiếp theo.

Hiện tại, diễn biến thị trường đang không ổn định và tiềm ẩn rủi ro nên nhà đầu tư cần chậm lại và vẫn nên hạn chế mua mới đến khi thị trường có tín hiệu hỗ trợ đủ tốt, đồng thời cân nhắc giữ danh mục ở mức an toàn, VDSC nhìn nhận.

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết, thị trường có tuần giảm điểm thứ năm liên tiếp với thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó do chỉ giao dịch trong 3 ngày nhưng nếu tính trung bình từng phiên thì vẫn ghi nhận mức sụt giảm về thanh khoản.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 37,54 điểm xuống 1.329,26 điểm, HNX-Index giảm 22,37 điểm xuống 343,46 điểm.

Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 47,8% so với tuần trước đó với 46.816 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giảm 47,5% xuống 1.623 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 52,9% so với tuần trước đó với 4.855 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giảm 53,7% xuống 210 triệu cổ phiếu.

Thị trường giảm điểm trong 2/3 phiên giao dịch và kết tuần ở gần mức thấp nhất. Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu có mức giảm mạnh nhất trong tuần qua với 5,1% giá trị vốn hóa với các cổ phiếu thuộc ngành thép là HPG giảm 3,5%, HSG giảm 8,1%, NKG giảm7,6%...; ngành hóa chất như: DGC giảm 4,1%, DPM giảm 5,5%, DCM giảm 7,4%...

Tiếp theo là ngành dầu khí và công nghệ thông tin với cùng mức giảm 4,3% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu như: PVS giảm 1,6%, OIL giảm 2,2%, CMG giảm 2,5%, PVC giảm 4,5%, PLX giảm 4,6%, PVB giảm 4,9%, PVD giảm 5,9%. Tại ngành công nghệ thông tin, FPT giảm 4,6%, CMG giảm 2,5%.

Ngành trụ cột ngân hàng cũng giảm 3,7% giá trị vố hóa, tạo ra áp lực điều chỉnh lên thị trường, có thể kể đến như: VCB giảm 1,9%, CTG giảm 2,7%, SHB giảm 4,9%, ACB giảm 5,2%, TCB giảm 5,7%, MBB giảm 6%, VPB giảm 6,9%.

Cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,1% giá trị vốn hóa. Cụ thể, các cổ phiếu bán lẻ như MWG giảm 1,7%, FRT giảm 9,3%, DGW giảm 10,4%... và cổ phiếu hàng không như VJC giảm 1,5%, HVN giảm 3,4%.

Các ngành còn lại đều có mức giảm tương đối mạnh là công nghiệp giảm 3,2% vốn hóa, dịch vụ tiêu dùng giảm 3,1%, tài chính giảm 2,8%, dược phẩm và y tế giảm 2,1%, hàng tiêu dùng giảm 1,6%.

Ở chiều ngược lại, chỉ có tiện ích cộng đồng là tăng trong tuần qua với 2,4% giá trị vốn hóa, nhờ sự tích cực của GAS tăng 3,6%, POW tăng 3,7%.

SHS cho biết, thị trường giảm tuần thứ năm liên tiếp với mức giảm khá mạnh, lần gần nhất mà thị trường có năm tuần giảm liên tiếp đã là từ tháng 7/2018.

Thanh khoản toàn thị trường tính trung bình mỗi phiên trong tuần qua tiếp tục có sự suy giảm thể hiện việc lực cầu đang khá yếu nên chỉ cần cung gia tăng nhẹ cũng đủ khiến thị trường "đỏ lửa".

Sau năm tuần giảm liên tiếp thì định giá của thị trường đã về mức hấp dẫn với P/E của VN-Index khoảng 14,5 lần và P/E của VN30 là khoảng gần 14 lần, đều thấp hơn mức trung bình 5 năm gần đây. Do đó, đây có thể coi là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn theo trường phái đầu tư giá trị.

Tuy nhiên, nếu xét trên góc nhìn về phân tích kỹ thuật thì tình hình lại trở nên tiêu cực hơn với việc VN-Index đánh mất ngưỡng 1.350 điểm trong tuần qua để bước vào sóng điều chỉnh với mục tiêu quanh ngưỡng 1.200 điểm.

SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo 9 - 13/5, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại nếu như ngưỡng hỗ trợ mạnh quanh 1.300 điểm được giữ vững.

Các chỉ số chính trên Phố Wall đi xuống

Chứng khoán tuần tới tiếp tục giảm? - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán lớn trên thế giới cũng đi lùi. Đơn cử, cả ba chỉ số chính trên Phố Wall đều giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 6/5 nói riêng và cả tuần qua nói chung, khi giới đầu tư đang xem xét số liệu việc làm tháng tư trong bối cảnh những lo ngại về nguy cơ đình lạm (kinh tế đình trệ và lạm phát cao xảy ra cùng lúc) của nền kinh tế ngày càng tăng.

Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 98,60 điểm xuống 32.899,37 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq mất 173,03 điểm xuống 12.144,66 điểm, còn chỉ số S&P 500 giảm 23,53 điểm xuống 4.123,34 điểm.

Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm 0,2%, còn chỉ số Nasdaq giảm 1,5%. Đây là tuần giảm điểm thứ năm liên tiếp của cả hai chỉ số Nasdaq và S&P 500, và cũng là chuỗi suy giảm dài nhất của riêng chỉ số S&P 500 này kể từ tháng 6/2011, theo số liệu của Dow Jones Market Data. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones cũng ghi nhận tuần mất điểm thứ sáu liên tiếp.

Ngày 4/5, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hội đồng gồm các quan chức FED phụ trách chính sách tiền tệ, đã tăng lãi suất thêm 0,5% lên phạm vi mục tiêu 0,75% đến 1%. Ngân hàng trung ương Mỹ đã không tăng lãi suất quá 0,25% trong một cuộc họp FOMC kể từ tháng 5/2000.

Sau khi để lãi suất gần bằng 0% trong cả năm 2021, Chủ tịch FED Jerome Powell và các lãnh đạo ngân hàng khác đã cam kết nhanh chóng đưa chi phí đi vay trở lại mức sẽ không kích thích nền kinh tế. Các quan chức hàng đầu của FED đều xác nhận sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% trong những tuần trước cuộc họp FOMC vào tháng Năm này sau khi thông qua mức tăng 0,25% vào tháng Ba.

Theo ông Powell, mức tăng 0,5% sẽ tiếp tục được đưa ra bàn thảo trong những cuộc họp tới, song FOMC sẽ chưa xem xét đến mức tăng 0,75% trong tương lai gần. Các chuyên gia nhận định những bình luận trên đã thúc đẩy đà tăng cho thị trường chứng khoán giữa bối cảnh ông Powell bày tỏ tin tưởng FED có thể giúp nền kinh tế "hạ cánh mềm" với việc ngăn chặn lạm phát song không đưa nền kinh tế vào suy thoái.

Tuy nhiên, sang phiên giao dịch 5/5, chứng khoán Mỹ lại chịu tổn thất nặng nề do hoạt động bán tháo trên diện rộng giữa những lo ngại về sự thay đổi chính sách tiền tệ và rủi ro kinh tế gia tăng do vấn đề lạm phát. Trong đó, đáng chú ý, chỉ số công nghiệp Dow Jones ghi dấu phiên giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2020 trong phiên này.

Angelo Kourkafas, chiến lược gia đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính Edward Jones (Mỹ), cho rằng tuyên bố tăng lãi suất của FED là tín hiệu về một trong những chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ. Theo chuyên gia này, khi FED thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh, có một số người lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế sẽ giảm tốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước