Ngày 5/12, trang Navigos phát hành "Báo cáo về triển vọng nghề nghiệp và xu hướng kỹ năng tại Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022".
Theo dự báo, các ngành sẽ phát triển mạnh, có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn là các ngành đòi hỏi trình độ công nghệ rất cao như: kỹ sư, kỹ thuật cao, máy tính, công nghệ thông tin. Nhóm ngành hành chính, thư ký khả năng cao sẽ sụt giảm cho dù ngành này đang nằm trong top 3 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2018.
Nhận định về nguyên nhân của xu thế này, Thời báo kinh doanh cho rằng hành chính, thư ký thuộc nhóm ngành có công việc lặp đi lặp lại và có nguy cơ bị thay thế bởi máy móc, robot.
Hiện Việt Nam có khoảng 56 triệu lao động, đây chính là lợi thế lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, tuy nhiên chỉ 11% trong số này có kỹ năng tay nghề cao. Khi các tiến bộ công nghệ được ứng dụng, các doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân tài.
Tờ Lao động và đời sống trích ý kiến của ông Simon Matthers - TGĐ Manpower Group Việt Nam - cho rằng doanh nghiệp, Chính phủ và nhà trường cần phối hợp với nhau nhằm chuẩn bị cho thế hệ trẻ thích nghi với thế giới việc làm tương lai khi mức độ số hóa, tốc độ tăng trưởng nhanh.
Khó tìm lao động trình độ cao nhưng doanh nghiệp tìm lao động phổ thông liệu có dễ? Theo báo Lao động, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp không đòi hỏi kinh nghiệm, phúc lợi và mức lương khá tốt nhưng vẫn không thu hút được giới trẻ. Thậm chí, ở các ngày hội việc làm, các bạn trẻ chỉ đi qua mà không có ý định dừng chân trước quầy thông tin doanh nghiệp.
Cũng theo một khảo sát của Navigos, 39% doanh nghiệp chia sẻ việc các khu công nghiệp ở xa trung tâm là thách thức lớn nhất đối với họ khi tuyển dụng. Kế đến là sự cạnh tranh của mô hình kinh tế chia sẻ với các dịch xe ôm công nghệ, giao hàng hay phục vụ chuỗi nhà hàng vốn cũng có mức thu nhập khá, chủ động thời gian làm việc mà không đòi hỏi bằng cấp, kinh nghiệm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!