Nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 19/02/2021 09:48 GMT+7

Ngành chế tạo sản xuất vẫn là ngành hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

VTV.vn - Hãng tư vấn quản lý độc lập Asia Perspective (Mỹ) nhận định nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong quý IV/2020.

Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam của hãng tư vấn quản lý độc lập Asia Perspective (Mỹ) nhận định nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong quý IV/2020 nhờ sự phục hồi trong ngành chế tạo sản xuất.

Trong quý IV/2020, ngành chế tạo sản xuất đã tăng trưởng ở mức 8,63% so với cùng kỳ năm trước.

Khi dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả ở Việt Nam và Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, ngành chế tạo sản xuất của Việt Nam tăng trưởng ở mức 5,82% trong năm 2020, trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.

Theo báo cáo, việc ngành chế tạo sản xuất tăng trưởng mạnh đã giúp GDP của Việt Nam trong quý IV/2020 tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, giúp tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,91%.

Dù tăng trưởng ở mức thấp nhất trong thập kỷ qua, nhưng con số này cũng giúp Việt Nam trở thành nước duy nhất ở châu Á ngoài Trung Quốc đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020.

Báo cáo nêu rõ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý IV/2020 tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 78,9 tỷ USD. Nhập khẩu tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 76,4 tỷ USD.

Xuất khẩu tăng 6,5% và nhập khẩu tăng 3,6% với thặng dư thương mại đạt 19,1 tỷ USD trong năm 2020, mức cao nhất kể từ năm 2016.

Nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý IV/2020 tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2019. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam tăng từ 117 trong quý II/2020 lên 121 vào quý IV/2020. Báo cáo đánh giá các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả đã đảm bảo mức tăng trưởng cho lĩnh vực tiêu dùng trong nước cũng như ngành du lịch nội địa. Do đó, tổng doanh thu bán lẻ và tiêu dùng trong nước vào quý IV/2020 đạt xấp xỉ 60,5 tỷ USD, tăng 6,4% so với quý III/2020 và 8,0% so với cùng kỳ năm trước.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, Asia Perspective cho biết, FDI vào Việt Nam trong quý IV/2020 đã tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, song tổng vốn FDI cả năm giảm 2% so với năm 2019. Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 3 của Việt Nam trong năm 2020, cùng với Singapore và Hàn Quốc.

Ngành chế tạo sản xuất vẫn là ngành hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư, chiếm 47,7% vốn FDI đăng ký mới vào năm 2020.

Trong khi đó, Trung tâm nghiên cứu tổng hợp Nhật Bản (JRI) nhận định các yếu tố giúp nâng cao ưu thế và thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm qua là xu hướng dịch chuyển sản xuất và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do tích cực. JRI nhấn mạnh yếu tố hỗ trợ kinh tế Việt Nam vững vàng chính là xuất khẩu.

Tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu tính theo USD năm 2020 là 7%, cao hơn hẳn so với các quốc gia khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Ngoài ra, một nhân tố khác chính là việc Việt Nam áp dụng chính sách khuyến khích sản xuất và đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng xu hướng dịch chuyển sản xuất của nhiều doanh nghiệp.

Theo JRI, để có thể đạt được tăng trưởng ổn định trong trung và dài hạn, Việt Nam cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao, thay vì chỉ đón nhận các ngành công nghiệp giá trị gia tăng thấp.

Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,8% trong năm 2021 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,8% trong năm 2021

VTV.vn - Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước