Để thực hiện mục tiêu trung hòa khí thải theo cam kết của Thủ tướng Suga Yoshihide, Nhật Bản đặt mục tiêu sẽ tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, tiếp tục duy trì điện hạt nhân nhưng sẽ giảm tỷ lệ nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than.
Theo báo Sankei, mục tiêu của Nhật Bản là đến năm 2030 sẽ tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 22 - 24%. Tuy nhiên, để đáp ứng các yêu cầu giảm khí thải theo cam kết mà Thủ tướng Suga đưa ra trước đó, Chính phủ nước này sẽ đặt mục tiêu cao hơn là tăng tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo lên mức 36 - 38%.
Ngành năng lượng vốn chiếm đến 40% lượng khí thải của Nhật Bản, do đó việc tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo sẽ góp phần đáng kể trong việc giảm khí thải của nước này.
Trong khi đó, thông tin trên báo Yomiuri cho biết, tỷ lệ nhiệt điện sẽ được điều chỉnh giảm đáng kể, từ mức 76% năm 2019 xuống còn 41% vào năm 2030. Trong đó, nhiệt điện than sẽ giảm xuống chỉ còn 19% so với mức 32% như hiện nay.
Nhật Bản sẽ tăng nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030. Ảnh minh họa: asia.nikkei.com
Tuy nhiên, để cân bằng cơ cấu năng lượng và thực hiện mục tiêu trung hòa khí thải, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục sử dụng điện hạt nhân, vốn là nguồn năng lượng chủ yếu của nước này nhiều năm qua.
Để khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo, Chỉnh phủ đã đưa ra những điều chỉnh mới, theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Báo Nikkei đăng tải thông tin từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp cho biết, Chính phủ sẽ tạo ra một cơ chế mới để phát triển năng lượng tái tạo. Trước đây, doanh nghiệp muốn mua điện từ các nhà máy phải thông qua các công ty bán lẻ trung gian, tuy nhiên quy định sẽ được nới lỏng, các hoạt động trung gian có thể được giảm bớt, nhằm tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Đã có chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, năng lượng tái tạo phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên cũng như giá thành sản xuất vẫn cao hơn các nguồn năng lượng khác. Đây đang là vấn đề các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Nhật Bản cần giải quyết để thúc đẩy nguồn năng lượng thân thiện với môi trường này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!