Ngày 15/10, Nội các Nhật Bản đã có phiên họp bất thường và tổ chức họp báo để thông báo việc Chính phủ nước này sẽ tăng thuế tiêu dùng lên 10% vào tháng 10/2018. Tại thời điểm này, trên các tờ báo lớn của Nhật Bản đang bàn luận khá sôi nổi về các biện pháp giảm tác động tiêu cực đối với nền kinh tế do tăng thuế, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản.
Theo báo Asahi, để giảm gánh nặng do tăng thuế tiêu dùng, Chính phủ đang xem xét biện pháp hoàn trả dưới dạng điểm thưởng cho khách mua hàng sử dụng các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng bán lẻ. Nếu khách hàng sử dụng thẻ tín dụng, thanh toán điện tử, mã QR… sẽ được hoàn trả bằng điểm thưởng tương đương với mức 2% tăng thuế tiêu dùng. Chính sách này hy vọng sẽ thúc đẩy chính sách mua bán không dùng tiền mặt tại Nhật Bản. Ngoài ra, Chính phủ đang tiếp tục xem xét các chính sách hỗ trợ khác như hỗ trợ hoạt động mua bán ô tô, nhà ở và các hoạt động đầu tư công.
Theo phân tích của báo Nikkei liên quan đến kinh doanh bất động sản, sẽ xuất hiện tình trạng nhu cầu nhà ở tăng trước thời điểm tăng thuế khi chỉ còn 1 năm nữa do lo tâm lý sợ tăng giá của người mua nhà, dẫn đến hậu quả sức mua sau thời điểm tăng thuế giảm hẳn, kéo theo sự trì trệ các lĩnh vực khác. Vì vậy, chính sách hỗ trợ mua nhà ở cần công bố càng sớm càng tốt.
Từ nay đến thời điểm tăng thuế chì còn chưa đầy 1 năm nhưng khối lượng công việc chuẩn bị của Chính phủ Nhật Bản và doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều. Đến thời điểm này chính sách hỗ trợ, ứng phó với tác động tiêu cực của việc tăng thuế vẫn chưa thực sự rõ ràng. Nhiều ý kiến thể hiện sự "nóng ruột" đã xuất hiện trên các mặt báo.
Báo Mainichi cũng có bài phân tích với tiêu đề "Chuẩn bị tăng thuế, cả một núi việc" đề cập đến việc kinh doanh ăn uống của các cửa hàng. Để giảm gánh nặng với cuộc sống hàng ngày của người dân, Chính phủ cũng đang xem xét không tăng thuế tiêu dùng, tức vẫn giữ nguyên 8% thuế đối với các loại thực phẩm và đồ uống. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ăn uống tại các cửa hàng vẫn bị tính thuế 10%. Theo đó, sẽ dẫn tới tình trạng nếu ăn tại cửa hàng sẽ bị tính thuế 10%, nhưng cũng đồ ăn đó mà cầm đi chỉ tính thuế 8%. Điều này dễ tạo ra sự không rõ ràng trong kinh doanh ẩm thực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!