Tác giả lấy ví dụ ở Đà Lạt, từ đầu đến cuối khu chợ, các quầy hàng quần áo, giày dép, túi xách gần như bán đồ giống hệt nhau và đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Đó là chưa kể các hộ kinh doanh xả rác bừa bãi, mất vệ sinh. Trong khi ở TP.HCM, khu chợ đêm Bến Thành cũng chủ yếu bán quần áo, giày dép, phụ kiện, trang sức hàng "fake", hàng nhái, kém chất lượng.
Đại diện Sở Du lịch TP.HCM lý giải là do người bán vẫn nghĩ họ đang mưu sinh, chưa có khái niệm đang làm du lịch. Không có sáng tạo, ý tưởng trong cách bán hàng.
Trái lại, so sánh với chợ ở nhiều nước khác như Thái Lan, Hàn Quốc, bài viết nhấn mạnh chợ đêm phải vui. Khách đến không chỉ mua sắm, ăn uống mà phải cảm thấy được thư giãn, được trải nghiệm bằng nhiều giác quan. Ví dụ, cũng một quầy nước dừa, nước cam nhưng tiểu thương ở nước ngoài họ sẽ nghĩ ra cách chặt, bổ hoặc xếp vỏ trái độc đáo để thu hút, kích thích sự tò mò của du khách.
Nói về ý tưởng và sự sáng tạo trong kinh doanh, báo Nông thôn ngày nay có dòng tít gây tò mò "Những cú bắt tay "xuyên quốc gia" ở hội nghị cấp... xã". Những hội nghị kinh tế liên kết cung - cầu cấp tỉnh, liên vùng giờ xem ra đã quá thường, chuyện lạ là ở một xã vùng ven TP.HCM vừa tổ chức "hội nghị" liên kết làm ăn giữa những tập đoàn đa quốc gia với những nông dân nuôi tôm chính cống nhằm xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Không khách sạn xa hoa, hội nghị diễn ra ở sảnh hội trường trường mầm non nhưng có hơn 300 đơn vị cả trong và ngoài nước tham dự. Bà con nông dân xã đang tìm những hướng đi mới vì hiện nay, họ chủ yếu bán hàng qua chợ đầu mối thủy sản Bình Điền (TP.HCM). "Có bao nhiêu cũng bán hết nhưng nếu đưa tôm đến chợ trễ giờ hay đụng hàng từ miền Tây lên thì xem như hôm đó giá tôm sẽ rẻ như bèo".
Một bài viết đáng chú ý khác trên Thời báo kinh doanh là "Âu lo sức tăng trưởng nhóm hàng điện thoại". Theo đó, riêng tháng 7 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đã sụt giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi những năm trước hầu như luôn tăng mạnh từ hơn 20% đến hơn 50%. Một trong những nguyên nhân là do hoạt động kinh doanh của Samsung chậm lại do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại toàn cầu. Câu chuyện nếu Samsung "hắt hơi", nhóm hàng điện thoại và linh kiện của Việt Nam sẽ bị "sổ mũi" đã từng được các chuyên gia đề cập tới từ vài năm trước. Theo bài viết, đây là bài học để các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần có các giải pháp tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!