Trong những nội dung được bàn luận, chủ đề về mối liên hệ giữa cạnh tranh và phát triển khi thực thi các thỏa thuận tự do thương mại, trong đó có Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã gây được sự chú ý.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Singapore, ông Heng Swee Keat cho rằng, mặc dù tốc độ tăng trưởng trên toàn thế giới và khu vực đang chậm lại, nhưng tiềm năng tăng trưởng của khu vực vẫn luôn cao hơn mức trung bình của thế giới. Chính vì thế, ASEAN và châu Á vẫn thực sự có thể tiếp tục nắm lấy các cơ hội phát triển. Các doanh nghiệp ASEAN rất tin tưởng vào khả năng thúc đẩy kinh doanh nội khối và với bên ngoài do Cộng đồng kinh tế ASEAN đem lại trong một môi trường kinh tế ngày càng cạnh tranh.
Ông Maheandra Sigerar, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty SEMEN, Indonesia nói: ‘Như bạn đã biết, môi trường kinh tế toàn cầu hiện nay có nhiều thách thức hơn so với 10 hay 15 năm trước nên chúng ta cần làm là phải giữ được đà đầu tư của thế giới vào khu vực ASEAN và AEC là một cơ chế tốt để làm điều đó. Thứ hai, tôi rất mong đợi, đó là làm sao để tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ASEAN, vì chúng ta không chỉ trông chờ để đón được những đầu tư tốt hơn từ phương Tây hay các quốc gia phát triển khác, mà chúng ta cần phải thúc đẩy mạnh hơn thương mại và đầu tư nội khối’.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, 20% phần việc còn lại của AEC trong giai đoạn 10 năm tiếp theo cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt, có ý nghĩa quyết định đối với hoàn thành các mục tiêu cao nhất của cộng đồng kinh tế ASEAN; bao gồm giảm thuế quan về 0%, thực hiện chính sách bầu trời mở, mở cửa trong lĩnh vực dịch vụ. Và quan trọng hơn, các thành viên ASEAN cần phải thực sự sẵn sàng để cạnh tranh khi tiến hành mở cửa.
Giáo sư Tan Khee Giap, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Singapore về hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cho rằng: ‘Cạnh tranh sẽ tốt hơn, bởi vì bạn có thể thắng, có thể thua nhưng nhìn chung, bạn sẽ được nhiều hơn mất bởi vì mỗi khi thất bại, bạn đã có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Chúng ta cần phải tạo ra việc làm, chúng ta cần phải nâng cao thu nhập của người dân ASEAN. Và cộng đồng kinh tế ASEAN là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để đạt được điều đó. Tôi tự tin rằng, ASEAN sẽ trở thành một thị trường rất quan trọng cho các công ty đa quốc gia từ Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu và Mỹ’.
Theo tuyên bố chung, Cộng đồng ASEAN chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Những phần việc hiện chưa hoàn thành, trong đó có lĩnh vực kinh tế sẽ được thực hiện theo Tuyên bố Kuala Lumpur về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!