Các doanh nghiệp thực phẩm luôn là những doanh nghiệp quay lại sản xuất sớm nhất, thường là từ mùng 2 hoặc mùng 4 Tết. Tại Công ty Vĩnh Thành Đạt, 60% công nhân đã quay trở lại làm việc với tâm lý ổn định. Doanh nghiệp cũng nhận nhiều đơn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết.
Tăng tiền lương, thưởng, tặng vé xe, tổ chức chuyến xe đưa đón, tặng tiền thưởng cho công nhân quay lại làm việc đúng lịch là giải pháp doanh nghiệp thực hiện để "kéo" công nhân quay lại nhà máy. Bởi vậy, doanh nghiệp có thể hoạt động ổn định ngay sau kỳ nghỉ lễ.
Nhiều doanh nghiệp đã sớm quay lại hoạt động để kịp tiến độ làm hàng. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
"Cố gắng hết bằng mọi cách để giữ tiền thưởng cho công nhân, người lao động cao hơn hoặc ít nhất bằng so với năm vừa qua. Trong đó, khoảng 20 - 30% là thưởng cao hơn", ông Trương Chí Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho biết.
Công ty Tân Quang Minh cũng trở lại sản xuất từ mùng 4 Tết với khoảng 70% công nhân và gần như ổn định hoạt động sau kỳ nghỉ lễ. Để làm được điều này, bên cạnh các chế độ lương thưởng, doanh nghiệp cho phép công nhân ở xa được về quê sớm đón Tết. Mặt khác, việc tăng tiền thưởng, tiền sản xuất nhằm giữ một phần công nhân ở lại thành phố đã giúp nhà máy hoạt động đúng kế hoạch.
"Chúng tôi dồn hết lực lượng sản xuất ở thời điểm cao nhất với sản lượng cao nhất, tổ chức tăng ca. Khi đáp ứng được đơn hàng, sau đó chúng tôi có thể giãn ra. Sau Tết, chúng tôi sắp xếp lại, tổ chức sản xuất sớm", ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh, chia sẻ.
"Đây là chiến lược của các doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp đều sợ mất lao động nên thông qua các biện pháp chăm lo, lương thưởng Tết để giữ chân lao động. Hầu như các doanh nghiệp đều nghĩ đến việc này dù tài chính rất khó khăn", ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Khảo sát nhiều doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho thấy, đa số các doanh nghiệp đều đã ổn định tâm lý công nhân và sản xuất trở lại từ mùng 7 hoặc mùng 8 Tết. Riêng các doanh nghiệp dệt may có thể sẽ thiếu khoảng 5 - 10% công nhân do một số lao động về quê sau đại dịch vẫn chưa trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!