Sau bao nỗ lực phục hồi, kết phiên chiều 14/3, VN-Index vẫn giảm 12,67 điểm. So với thời điểm xuống sâu nhất trong phiên, đà giảm đã được thu hẹp. Sự giằng co của bên mua và bên bán cũng được thể hiện rõ nét qua mức thanh khoản cao, trên 12.000 tỷ đồng.
Khối ngoại đã gom ròng phiên thứ 6 liên tiếp. Với giá trị hơn 385 tỷ đồng trên HOSE, lực mua của khối này tập trung vào các mã như VHM, SSI, HSG…
Sau khoảng 1 tháng bán ròng gần như liên tục, khối ngoại đã bắt đầu mua ròng trở lại từ 7/3. Tính chung đến thời điểm hiện tại, tháng 3 đang là tháng mua ròng, lũy kế khoảng 1.770 tỷ đồng.
"Nhóm cổ phiếu được mua ròng lớn hầu hết nằm trong rổ của chỉ số được ETF giải ngân. Còn với các quỹ đầu tư chủ động, họ cũng đang có sự dè dặt nhất định, nhưng theo tôi, các quỹ đó vẫn đang rất quan tâm đến cổ phiếu Việt Nam", ông Vũ Đức Nam, Sáng lập ART Investor, cho biết.
Một thông tin tích cực với thị trường là việc quỹ Fubon được cho đã được thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 5 với số vốn khoảng 160 triệu USD. Dựa trên thực tế các đợt tăng vốn trước, các chuyên gia dự báo dòng vốn này có thể chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam ngay trong tháng 3 này.
Sau khoảng 1 tháng bán ròng gần như liên tục, khối ngoại đã bắt đầu mua ròng trở lại từ 7/3. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Trong khi đó, quỹ VanEck sẽ thay đổi chỉ số tham chiếu, nâng từ 80% lên 100% là cổ phiếu Việt Nam kể từ ngày 17/3, và có thể mua khoảng 2.300 tỷ đồng trên thị trường.
"Kỳ vọng giải ngân của ETF bao gồm quỹ Fubon, VanEck hay VNM. Thực ra câu chuyện đó đến thời điểm này vẫn còn giữ nguyên. Động lực tăng về mặt thông tin này vẫn được bảo lưu", ông Vũ Đức Nam, Sáng lập ART Investor, cho hay.
Trước đó, dòng tiền ngoại đã có tháng 2 tương đối ảm đạm. Đáng chú ý ngay đầu tháng 3, quỹ lớn nhất trên thị trường VEIL do Dragon Capital quản lý thông báo đã nâng tỷ trọng tiền mặt lên mức 6,03% - cao nhất 4 tháng gần đây. Tuy nhiên, hoạt động cơ cấu này được giới chuyên gia đánh giá là hoàn toàn bình thường. Đặc biệt quỹ này sẽ thường giải ngân trở lại ngay sau khi tỷ trọng tiền mặt vượt ngưỡng 5%.
"Tôi nghĩ đây là cơ cấu bình thường của các quỹ ngoại. Những cổ phiếu được đánh giá về chất lượng tài sản hoặc có thông tin bất lợi họ sẽ cơ cấu. Chúng ta đang ở trong một quá trình tạo đáy dài hạn", ông Vũ Quang Huy, Trưởng phòng môi giới, Công ty CP Chứng khoán KBSV, nhận định.
Theo đánh giá của Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI, VN-Index vẫn đang giao dịch ở định giá hấp dẫn P/E 11 lần, trong đó nhiều cổ phiếu ngân hàng giao dịch ở mức ngang hoặc dưới giá trị sổ sách.
Ngoài ra, những thay đổi vừa qua tại Nghị định số 08 về trái phiếu sẽ kích thích dòng vốn ngoại quay lại với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Không chỉ các quỹ ngoại, mà thông tin Ngân hàng nhà nước quyết định điều chỉnh các mức lãi suất từ 15/3 cũng được giới đầu tư kỳ vọng vào sự "cởi mở" của dòng tiền trên thị trường chứng khoán.
Đáng chú ý, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp niêm yết có thêm cơ hội phục hồi lợi nhuận.
Còn trên thị trường trái phiếu, theo báo cáo của FiinRatings, tháng 2 vừa qua ghi nhận tổng cộng 3 lô trái phiếu phát hành thành công trị giá 2.000 tỷ đồng, trong đó lô trái phiếu riêng lẻ của Sơn Kim trị giá 500 tỷ đồng và lãi suất danh nghĩa 13,5%/năm cho kỳ hạn 2 năm. Trong khi 2 lô phát hành của Masan có tổng giá trị 1.500 tỷ đồng với lãi suất cố định của hai kỳ đầu tiên là 9,5%.
Như vậy, khối lượng phát hành riêng lẻ trong tháng 2 chỉ tương đương 17,4% so với tháng liền kề, nhưng tổng giá trị phát hành đã tăng đáng kể trên nền phát hành thấp của tháng trước.
Theo FiinRatings, chiều hướng này có thể tiếp diễn trong thời gian tới, đặc biệt khi Nghị định 08 đã ra đời với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, nhất là trong giai đoạn đáo hạn cao điểm của trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 và 2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!