Nhiều dư địa thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - Đức

Điệp Anh-Thứ tư, ngày 13/01/2021 14:06 GMT+7

VTV.vn - CHLB Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác.

Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, Bộ Công Thương Việt Nam đã phối hợp với Bộ Kinh tế và Năng lượng Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức Khóa họp lần thứ nhất Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Đức theo hình thức trực tuyến.

Với thị trường 100 triệu dân, Việt Nam thuộc nhóm thị trường có nhiều tiềm năng trong khu vực châu Á, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định EVFTA Việt Nam - EU chính thức đi vào hiệu lực. Nhiều khu vực còn dư địa phát triển lớn, trong đó có ngành công nghiệp ô tô, với tốc độ tăng trưởng 20 - 30%/năm trong những năm tới.

Nhiều dư địa thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - Đức - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

"Các hãng ô tô của Đức có điều kiện cùng với doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường Việt Nam, khu vực châu Á cũng như trên thế giới thông qua việc tạo điều kiện để tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng việc tham gia của các doanh nghiệp nội địa vào chuỗi cung ứng, với thị phần ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ hơn", Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định.

Hiện có 280 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam, trong đó hơn 60 doanh nghiệp có nhà máy, với mức đầu tư khoảng 1,6 tỷ Euro vào những công nghệ tiên tiến nhất. Thời gian tới, phía Đức sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt các cơ hội trong thời đại công nghiệp 4.0.

Nhiều dư địa thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - Đức - Ảnh 2.

Quang cảnh khóa họp tại đầu cầu Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

"Việt Nam có những lợi thế về nhân công giá rẻ, nhưng hiện nay, nhân công giá rẻ không phải là lợi thế duy nhất. Chúng ta cũng phải có những giải pháp về công nghệ số ở mức cao nhất, hiện đại nhất. Chúng tôi có những chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0", Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier cho hay.

Tại buổi họp, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể tự chủ về công nghệ lõi và những công nghệ hiện đại nhất. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần chủ động đi tìm cơ hội.

Về lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ mong muốn hợp tác với phía Đức, không chỉ đối với phát triển năng lượng truyền thống, năng lượng tái tạo, mà còn năng lượng sinh khối, việc lưu trữ và truyền tải điện, đảm bảo an ninh năng lượng Việt Nam.

Xe Đức về Việt Nam bắt đầu rẻ vì 'hưởng lợi' từ EVFTA Xe Đức về Việt Nam bắt đầu rẻ vì "hưởng lợi" từ EVFTA

VTV.vn - Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trị giá tính thuế đối với xe nguyên chiếc nhập khẩu từ Đức về Việt Nam trong tháng 10 và 10 tháng năm 2020 thấp hơn so với cùng kỳ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước