Cách đây 2 năm, 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhất trí áp thuế doanh nghiệp đối với các tập đoàn đa quốc gia ở mức không được thấp hơn 15%. Mục đích là chống lại hành vi né thuế, chuyển giá trốn thuế, bất lợi cho các nước nhận đầu tư nước ngoài và bất bình đẳng thiệt hại cho các doanh nghiệp nội địa.
Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ chỉ mang lại hiệu quả thấp bằng nửa so với mục tiêu ban đầu. Các tập đoàn đa quốc gia vẫn sẽ có cách né thuế và các nước vẫn sẽ có cách áp thuế thấp hơn.
Tờ Libération của Pháp dành 2 trang cho chủ đề: "Trốn thuế vẫn tiếp diễn". Một biểu đồ dựa trên số liệu từ các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ cho thấy lợi nhuận từ né thuế đã cao gấp cả chục lần so với lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế. Theo tờ báo, tình hình sẽ chỉ cải thiện được rất ít, vì thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu bị pha loãng, do nhiều kẽ hở làm giảm nhẹ tầm vóc của cam kết chung.
Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ chỉ mang lại hiệu quả thấp bằng nửa so với mục tiêu ban đầu. (Ảnh minh họa - Ảnh: shutterstock)
Về phía các tập đoàn đa quốc gia, lách thuế sẽ khó hơn, nhưng không phải là không có cách. Tờ Malta độc lập viết: "Tổ chức Quan sát thuế châu Âu lưu ý rằng, theo các quy định của thỏa thuận năm 2021, các công ty vẫn sẽ duy trì được một số khả năng lách thuế. Ví dụ, các công ty có hoạt động kinh doanh hữu hình tại một quốc gia cụ thể, có nhà máy, kho bãi, cửa hàng và văn phòng, vẫn có thể tiếp tục trả thuế thực tế dưới mức 15%".
Phía những nước muốn dùng thuế thấp để thu hút đầu tư nước ngoài cũng có những kẽ hở. Tờ Thời báo Thụy Sĩ viết: "Một hình thức cạnh tranh thuế mới đã được thiết lập giữa các quốc gia với cái cớ chuyển đổi sinh thái. Khi không được phép đưa ra mức thuế suất thấp hơn thỏa thuận, Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước châu Âu có thể tăng trợ cấp cắt giảm khí thải hoặc trợ cấp chuyển đổi năng lượng. Những khoản chi tốn kém lẽ ra doanh nghiệp phải chịu, quốc gia muốn thu hút đầu tư vẫn có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp, một phần hay toàn bộ, hoặc cấp tín dụng ưu đãi, dưới cái mũ thúc đẩy tăng trưởng xanh, là một cái mũ khó ai dám phản bác".
Thuế tối thiểu toàn cầu là một ý tưởng tốt, nhưng để có tác dụng thực sự, phải gia cố thêm. Tờ El País ra tại Tây Ban Nha viết: "Thỏa thuận đã bị suy yếu trong quá trình đàm phán, do xuất hiện những lỗ hổng như tín dụng thuế và các lợi ích không được tính vào cơ sở tính thuế, chưa kể đến sự chậm trễ trong áp dụng, cùng khả năng cao là một số quốc gia không phê chuẩn hiệp định này, trong đó có Mỹ là nước có các công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới".
Theo tờ báo Tây Ban Nha, Tổ chức Quan sát thuế châu Âu đề xuất phải bít lại các lỗ hổng hiện có, và nâng mức thuế tối thiểu toàn cầu lên 25%, có như vậy mới có thể đạt được mục tiêu hạn chế trốn thuế, né thuế, chuyển giá... của các tập đoàn đa quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!