Nhiều mặt hàng nông sản “bùng nổ” về giá trị xuất khẩu

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 28/11/2024 15:58 GMT+7

VTV.vn - Với các kết quả đã đạt được cùng nỗ lực và sự quyết tâm của các cấp ngành, các địa phương cũng như từng doanh nghiệp, xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản mang về 57 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11 ước đạt 5,3 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm nay đạt gần 57 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu nông sản đạt gần 30 tỷ USD, tăng 23%; thủy sản đạt hơn 9 tỷ USD, tăng gần 12% và lâm sản đạt gần 16 tỷ USD, tăng gần 20%. Đây là 3 nhóm hàng có cán cân thương mại ở trạng thái thặng dư.

Đặc biệt, có 7 mặt hàng đạt thặng dư trên 1 tỷ USD, bao gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả, cà phê, gạo, tôm, cá tra và hạt tiêu.

Nhiều mặt hàng nông sản “bùng nổ” về giá trị xuất khẩu - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11 ước đạt 5,3 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm nay đạt gần 57 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa.

Nhiều mặt hàng lập kỷ lục xuất khẩu

Từ kết quả 11 tháng cho thấy, mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu năm nay đạt kỷ lục mới là 60 - 62 tỷ USD được các bên đánh giá là khả thi. Có thể thấy hầu hết các mặt hàng chủ lực đều tăng trưởng cao. Trong đó rau quả và cà phê có đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp.

Sầu riêng là mặt hàng chiến lược của ngành rau quả. Thời điểm này, sầu riêng chính vụ đã kết thúc, tuy nhiên Việt Nam vẫn còn hàng trái vụ phục vụ xuất khẩu. Chỉ riêng trái sầu riêng đã chiếm tới 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Dự báo, xuất khẩu sầu riêng cả năm có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: "Hơn 90% sầu riêng xuất khẩu của chúng ta sang thị trường Trung Quốc. Tôi tin tưởng là sang năm chúng ta có những kỷ lục mới, những mặt hàng mới, ví dụ như sầu riêng đông lạnh, dừa, bưởi".

"Trái cây của Việt Nam đang có cơ hội lớn tại Anh khi Việt Nam nằm trong danh sách 20 nước được miễn hoặc giảm kiểm tra tại cửa khẩu khi vào Anh do những nỗ lực. Vấn đề hiện nay theo tôi là cần nâng cao công tác marketing để có hiểu biết hơn về xu hướng tiêu dùng của người châu Âu cũng như cách họ nhận biết những sản phẩm xanh, doanh nghiệp xanh...", ông Matthew Albon Crouch - Tùy viên Nông nghiệp, Thực phẩm và đồ uống, Đại sứ quán Ạnh tại Hà Nội cho biết.

Nhiều mặt hàng nông sản “bùng nổ” về giá trị xuất khẩu - Ảnh 2.

Sầu riêng là mặt hàng chiến lược của ngành rau quả.

Bên cạnh đó, ngành hàng cà phê cũng liên tục lập đỉnh cả về kim ngạch xuất khẩu và giá bán. Tập đoàn Phúc Sinh mỗi năm duy trì sản lượng xuất khẩu khá ổn định, khoảng 60.000 tấn cà phê, nhưng doanh thu năm 2024 tăng trưởng 40% nhờ giá cà phê tăng cao. Ngoài thị trường chính là châu Âu, chiếm 65%, năm nay doanh nghiệp cũng đã khai thác được thêm nhiều thị trường mới.

Ông Nguyễn Huy Hùng - Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Phúc Sinh cho biết: "Trong năm 2024 chúng tôi mở rộng được các thị trường rất là lớn ở châu Á. Đặc biệt là như Indonesia và các nước ở Trung Đông thì họ đã tăng mua cà phê ở Việt Nam. Chúng tôi tập trung vào hàng chất lượng cao, các hàng Arabica chế biến sâu, Robusta chất lượng cao. Chúng tôi là hy vọng năm 2025 thì tăng trưởng danh số khoảng 25%".

Dự báo xuất khẩu cà phê năm 2024 có thể sẽ chạm mốc 6 tỷ USD. Đặc biệt, việc EU đưa ra đạo luật cấm nhập khẩu nông sản liên quan đến phá rừng vào EU (EUDR) đã thôi thúc ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng chất lượng cao và bền vững.

Ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết: "Việt Nam là một trong những nước tiên phong đầu tiên minh bạch được truy suất nguồn gốc. EUDR thông qua thì lợi thế của Việt Nam là chúng ta chứng minh được cà phê của chúng ta không nằm trong diện rủi ro".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các mặt hàng nông sản thế mạnh khác như gạo, hạt điều… cũng ghi nhận mức tăng trưởng chưa từng có. Tháng cuối năm 2024 sẽ là thời gian tăng tốc quyết liệt của các ngành hàng với mục tiêu mới nhất là đưa kim ngạch xuất khẩu cán mốc 60 tỷ USD.

Nỗ lực hình thành ngành hàng chủ lực mới

Năm 2024, Việt Nam đánh dấu mở rộng thị trường xuất khẩu khi sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, cá sấu nuôi... được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Các địa phương như Trà Vinh và Bến Tre đang triển khai quy hoạch và giải pháp để đưa dừa trở thành ngành hàng chủ lực xuất khẩu.

Trà Vinh có diện tích trồng dừa lớn thứ hai cả nước với gần 30.000 ha nhưng giá trị dừa chưa cao do chất lượng và năng suất không ổn định. Toàn tỉnh có 8 doanh nghiệp, cơ sở chế biến dừa xuất khẩu nhưng chủ yếu quy mô nhỏ.

Dừa sáp có giá trị cao, nhưng sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu. Tỉnh đang nghiên cứu giống dừa mới, nâng cao chất lượng và hướng đến sản xuất hữu cơ kỳ vọng phát triển dừa thành ngành hàng xuất khẩu tỷ USD.

Năm nay, việc 3 Nghị định thư được ký kết và có hiệu lực, cùng với sự vào cuộc của Chính phủ, Bộ, ngành về vấn đề logistics, cửa khẩu thông minh, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng về giá trị.

Xuất khẩu nông sản 'vàng đen' hồ tiêu: Sẽ tiếp tục phá kỷ lục Xuất khẩu nông sản "vàng đen" hồ tiêu: Sẽ tiếp tục phá kỷ lục

VTV.vn - Ước tính xuất khẩu hồ tiêu sẽ lập mốc kỷ lục mới 1,4 tỷ USD trong năm nay. Đặc biệt, với hướng đi vào thị trường Halal, dự báo sẽ tiếp tục phá kỷ lục thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước