Thực tế, không ít người dân vì cái lợi trước mắt đã thực hiện những phương thức đánh bắt thủy sản rất có hại cho hệ sinh thái. Điển hình, tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên - Huế, với diện tích hơn 22.000 ha, đây là đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Nơi đây cũng là nguồn sinh kế của khoảng 300.000 cư dân sinh sống trên sông nước và ven bờ.
Tuy nhiên, những năm gần đây việc đánh bắt trái phép tại đây diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt tình trạng khai thác thủy sản bằng xung điện, cào hàu theo kiểu tận diệt đã khiến nhiều loài cá, tôm bị cạn kiệt và mất dần.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, lực lượng kiểm ngư thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai 10 đợt tuần tra tại vùng đầm phá Tam Giang, ngăn chặn và xử lý 17 trường hợp vi phạm hành chính, xử phạt số tiền 24 triệu đồng, tịch thu 18 bộ kích điện, 28 bình điện, tuy nhiên tình hình khai thác trái phép vẫn diễn biến rất phức tạp.
Được biết, ngoài sử dụng xung điện, để có được những con hàu, nhiều người dân đã dùng các loại cào hàu kết hợp với xuồng máy công suất lớn để cày nát cả một vùng đầm phá.
Chỉ vì những cái lợi trước mắt, các đối tượng đánh bắt thủy sản theo phương thức tận diệt không chỉ làm mất đi tài nguyên sinh thái trên phá Tam Giang, mà còn làm ảnh hưởng lớn đến việc mưu sinh của người dân sinh sống trên vùng đầm phá rộng lớn này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!