Nhiều vướng mắc trong việc phát triển nhà ở cho công nhân

Điệp Anh-Thứ hai, ngày 22/11/2021 11:24 GMT+7

VTV.vn - Dù đã có nhiều chủ trương thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhưng thực tế công tác thực hiện còn nhiều vướng mắc, có độ vênh giữa quy định và thực tiễn.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước hiện mới có khoảng 2,5 triệu m2 nhà ở cho công nhân, dành cho khoảng 330.000 người. Con số này vẫn còn rất thấp so với nhu cầu của hàng chục triệu công nhân.

Tại Tọa đàm Phát triển nhà ở cho công nhân do Báo Xây dựng tổ chức mới đây, nhiều giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân đã được đưa.

Một trong những vướng mắc hiện nay là sự khác nhau trong quy định, bởi theo Luật Nhà ở 2014, diện tích đất xây dựng nhà ở có thể nằm trong hoặc ngoài khu công nghiệp, nhưng theo Luật Đất đai 2013, trong các khu công nghiệp lại không thể xây dựng các dự án nhà ở.

"Tôi cho rằng, bây giờ khi quy hoạch khu công nghiệp, anh phải quy hoạch luôn nhà ở công nhân. Khi phê duyệt cũng phải phê duyệt đồng thời luôn", Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang Đào Công Hùng nêu ý kiến.

Nhiều vướng mắc trong việc phát triển nhà ở cho công nhân - Ảnh 1.

Khu nhà ở dành cho công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). (Ảnh: NLĐ)

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp mong muốn có thể đứng ra mua hoặc thuê nhà ở xã hội để bố trí cho người lao động của mình. Tuy nhiên, Luật Nhà ở 2014 quy định loại hình này chỉ được bán, cho thuê, cho thuê mua, cho đối tượng là các hộ gia đình, cá nhân, không có quy định bán cho tổ chức.

"Người sử dụng lao động đều muốn được dùng sản phẩm đó cho công nhân của họ nhưng bó tay, vì không cho thuê được, cho thuê thì chưa đúng", Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera Trần Ngọc Anh cho hay.

Đặc biệt, quy định "lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng kinh phí đầu tư" khiến doanh nghiệp không mặn mà tham gia.

"Doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt với việc lỗ, đặc biệt trong hoàn cảnh bão giá. Vì doanh nghiệp bán nhà ở xã hội với mức giá đã công bố, sau này tăng giá là rất khó", Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) Phạm Văn Ân cho biết.

"Chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội được ưu đãi một số cơ chế: miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp… Tuy nhiên, pháp luật cũng yêu cầu các chủ đầu tư không được tính toán các chi phí này vào giá bán nhà ở cho khách hàng. Vô hình trung, ưu đãi này dành cho khách hàng cuối cùng, người mua nhà, chứ không phải cho chủ đầu tư, doanh nghiệp", Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng nhận định.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất phân bổ gói tín dụng 15.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân. Đây được xem là tín hiệu mở ra nhiều cơ hội an cư cho nhiều người lao động.

Bộ Xây dựng kiến nghị cấp 65.000 tỷ đồng làm nhà ở công nhân Bộ Xây dựng kiến nghị cấp 65.000 tỷ đồng làm nhà ở công nhân

VTV.vn - Bộ Xây dựng đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng về việc cấp 65.000 tỷ đồng kèm cơ chế chính sách để đẩy mạnh phát triển nhà ở cho công nhân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước