Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm góp ý Luật Đất đai (sửa đổi)

Nhóm phóng viên Thời sự-Thứ năm, ngày 16/03/2023 20:47 GMT+7

VTV.vn - Đại diện các tầng lớp nhân dân mong muốn việc tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được tiến hành một cách trách nhiệm.

Sau hơn 2 tháng triển khai, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã kết thúc vào ngày 15/3. Theo thống kê sơ bộ, gần 8.000 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước góp ý dự thảo thông qua website của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì và phối hợp tổ chức 12 hội nghị, hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo luật. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 27 tỉnh, thành phố cũng đã thu nhận được gần 10.300 ý kiến.

Trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, hơn 2.000 góp ý có chất lượng đang được tổng hợp gửi đến Ban soạn thảo.

Các ý kiến của nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đóng góp vào dự thảo luật tập trung vào các nhóm vấn đề như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất; đất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 1.

Theo đánh giá sơ bộ, việc tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đạt được những kết quả tích cực. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Hiện các địa phương đang trong quá trình tổng hợp ý kiến nhân dân gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự kiến trước thứ Hai (19/3) tuần tới.

Đa dạng lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo đánh giá sơ bộ, việc tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều góp ý tâm huyết, chất lượng về các quy định trong Dự thảo. Đây là những chất liệu quan trọng cho quá trình hoàn thiện dự thảo luật.

Để đôn đốc và lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì tổ chức 8 hội nghị, hội thảo các vùng từ Bắc đến Nam gồm các tầng lớp trong xã hội như: nông dân, doanh nghiệp, luật sư, các nhà khoa học, liên hiệp hội phía Nam.

"Có những hội nghị mang tính chuyên đề đối với các nhà khoa học, các giai tầng trong xã hội được đóng góp rất đầy đủ, tạo điều kiện rất tốt cho cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai", ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết.

Các bộ, ban ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương cũng đồng thời tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến chuyên đề các nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đặc biệt, các hội nghị do Chính phủ tổ chức với sự tham gia của các đại diện địa phương với nhiều ý kiến góp ý tâm huyết.

"Việc lấy ý kiến nhân dân được triển khai khá là bài bản và cơ bản đáp ứng được Nghị quyết 671. Các lãnh đạo của Quốc hội, Chính phủ đã trực tiếp tham gia chủ trì các hội nghị lấy ý kiến nhân dân. Các hội thảo, hội nghị đã được tổ chức theo các vùng miền khác nhau để có cơ sở nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các quy định trong dự án luật làm sao phù hợp với đặc trưng vùng miền từng địa phương", bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội, nhận định.

Qua các hội nghị, hội thảo cho thấy các ý kiến đóng góp rất thẳng thắn, đa chiều, chỉ ra các vướng mắc, bất cập trong chính sách đất đai hiện hành, từ đó đưa ra nhiều đề xuất giá trị.

Tiếp thu trách nhiệm các ý kiến đóng góp

Đến ngày 15/3, các hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn tiếp tục được tổ chức. Qua suốt hơn 2 tháng lấy ý kiến, đại diện các tầng lớp nhân dân cũng mong muốn việc tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân đối với dự thảo luật quan trọng này sẽ được tiến hành một cách trách nhiệm.

Hết ngày 15/3, Thanh Hóa đã tổ chức 2.000 hội nghị, hơn 13.000 ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

"Mặt trận Tổ quốc đã phối hợp chặt chẽ với đoàn đại biểu Quốc hội, UBND tỉnh hướng dẫn tổ chức triển khai lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Thông qua nhiều hình thức, nhưng chủ yếu là tổ chức hội nghị từ khu dân cư, lên đến cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Nhân dân tham gia góp ý kiến nhiều nhất vẫn là vấn đề thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, định giá đất, xây dựng quy hoạch đất đai", bà Lê Thị Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, cho hay.

Chiều 15/3, tại TP Hồ Chí Minh, các liên hiệp hội, doanh nghiệp, nhà khoa học... trong và ngoài nước cũng đã tổ chức góp ý cho dự thảo luật. Cùng với những ý kiến góp ý, toàn bộ đợt lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa qua cũng đã được nhiều đánh giá tích cực.

"Tôi là một người dân được tham gia nhiều cuộc họp của cán bộ ở địa phương cũng như tham gia diễn đàn trực tuyến. Bản thân tôi thấy, với cách làm như vậy, người dân rất thuận lợi. Người dân thấy quyền dân chủ được phát huy", ông Trần Danh Toại, phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, đánh giá.

"Hy vọng là sẽ được các nhà soạn thảo nghiên cứu và chúng ta sẽ có một Luật Đất đai hiệu quả nhất để khai thác tiềm năng đất đai của đất nước, cũng như là sử dụng một cách hiệu quả, phát huy nguồn lực đất nước trong thời gian tới", bà Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, nêu quan điểm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cách thức tổ chức và ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa đảm bảo tính bao trùm, vừa đảm bảo tính chuyên sâu. Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm được nhân dân cả nước đề xuất. Vấn đề đặt ra lúc này đó là công tác tiếp thu cũng cần được tiến hành một cách trách nhiệm.

"Mong muốn Ban soạn thảo có thể tập hợp, phân loại, lắng nghe những ý kiến đóng góp và từ đó chắt lọc lấy những cái nội dung cơ bản để đưa vào luật. Tuy nhiên, Ban soạn thảo có thể phản hồi những ý kiến đóng góp của các chủ thể, từ đó để những người đóng góp người ta cảm thấy rằng đóng góp của họ đã được Ban soạn thảo lắng nghe", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, cho biết.

"Chúng ta cũng đã thu hoạch được những ý kiến hết sức quý báu, đóng góp cho những vấn đề gì đang vướng mắc thực tế mà Luật Đất đai yêu cầu sửa đổi phải khắc phục. Thậm chí chúng ta có thể tổ chức lấy ý kiến các hội thảo sâu hơn sau khi có ý kiến sơ bộ để chúng ta cùng bàn thảo và phản biện các cái ý kiến này, lấy ý kiến nó ở mức độ tầm cao hơn", Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự, nhận định.

Theo kế hoạch của Chính phủ, Báo cáo kết quả lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20/ 3, đồng thời gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để theo dõi.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân để trình Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai trước ngày 1/4/2023.

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ thực tiễn Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ thực tiễn

VTV.vn - Tại tỉnh Phú Yên, việc đóng góp ý kiến vào Luật Đất đai (sửa đổi) đang được triển khai sinh động tới nhiều tầng lớp nhân dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước