Thị trường Mỹ hướng tới kỷ lục mới cuối năm nay
Kết thúc phiên 27/12, các chỉ số chính tại Phố Wall đã tiếp tục chứng kiến xu hướng tăng giá trong giai đoạn cuối năm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones chốt phiên tăng hơn 100 điểm, tương đương khoảng 0,3% và đánh dấu số điểm cao kỷ lục mới. S&P 500 và Nasdaq cũng đều đóng cửa với mức tăng nhẹ.
Cả 3 chỉ số chính đều đã trải qua 8 tuần tăng điểm liên tiếp và tính trong lịch sử, tuần giao dịch cuối cùng trong năm - kéo dài từ sau lễ Giáng sinh tới trước ngày năm mới, nhìn chung cũng khá tích cực với các nhà đầu tư, còn được gọi là "hiệu ứng ông già Noel".
Các nhà đầu tư tại Sàn giao dịch chứng khoán New York. (Ảnh: AP)
Không chỉ trong tuần cuối năm, mà thị trường Mỹ cũng đang hướng tới cả một năm 2023 nhiều ấn tượng. Cả chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều được dự báo sẽ kết thúc năm với mốc cao kỷ lục mới trong lịch sử - các chỉ số này hiện đã tăng lần lượt 13% và 24% kể từ đầu năm.
Trong khi đó, chỉ số Nasdaq cũng ghi nhận tăng trưởng từ đầu năm lên tới 44% và đang trên đà phá kỷ lục tăng 50% được lập cách đây tròn 2 thập kỷ.
Đà biến động của Phố Wall sau các bước đi của FED
Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ hoạt động kinh tế và kết quả của các doanh nghiệp, một yếu tố không nhỏ ảnh hưởng tới "nhịp đập" của Phố Wall năm nay chính là những quyết định lãi suất được đưa ra trong cả năm bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Bước sang năm 2023, khi lạm phát đã bắt đầu cho thấy sự hạ nhiệt, FED cũng đã giảm dần nhịp độ tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ như của năm trước. Sau 3 lần tăng 25 điểm cơ bản, cơ quan này đã có lần đầu tiên giữ nguyên lãi suất hồi tháng 6. Nhờ vậy, trong nửa đầu năm, chứng khoán Mỹ cũng có một giai đoạn tương đối dễ thở.
Thị trường chỉ thật sự xuất hiện một đợt bán tháo trong quý III, khi bên cạnh yếu tố lịch sử, quý III cũng bị chi phối bởi sự thận trọng của FED, với thuật ngữ "lãi suất cao hơn và kéo dài" trở thành thông điệp chính với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, kể từ sau cuộc họp tháng 7, đã có thay đổi mạnh mẽ trong quan điểm từ phía Chủ tịch Jerome Powell và các nhà điều hành trong giai đoạn cuối năm.
Chủ tịch Jerome Powell phát biểu ngày 26/7/2023: "Chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ hiện vẫn chưa đủ thắt chặt và có đủ thời gian để phát huy tác dụng. Bởi vậy chúng tôi dự định sẽ tiếp tục duy trì thắt chặt đến khi chắc chắn lạm phát đang về mức 2% bền vững và sẵn sàng để tăng lãi suất lần nữa nếu cần thiết".
Chủ tịch Jerome Powell phát biểu ngày 13/12/2023: "Chúng tôi tin rằng, lãi suất có thể đã đạt đến mức đỉnh của chu kỳ thắt chặt lần này. Các thành viên cuộc họp đều dự đoán có thể sẽ không cần thêm đợt tăng lãi suất nào trong năm tới, nhưng chúng tôi vẫn để ngỏ khả năng này nếu cần".
Một yếu tố không nhỏ ảnh hưởng tới "nhịp đập" của Phố Wall năm nay chính là những quyết định lãi suất được đưa ra trong cả năm bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ảnh minh họa.
Khả năng tiến tới nới lỏng trong năm tới đã tạo cú hích lớn với thị trường trong các phiên cuối năm, đặc biệt là sau cuộc họp chính sách tháng 12, khi FED chính thức đưa ra dự báo về việc giảm lãi suất. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng thị trường không nên lạc quan quá mức.
Ông Sam Stovall - Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược, Công ty CFRA cho biết: "Tôi nghĩ rằng quan điểm của FED và thị trường đang có sự chênh lệch. FED vẫn dự báo có thể có 3 lần giảm lãi suất trong năm tới, nhưng thị trường thì kỳ vọng có thể giảm tới 4 lần, ngay từ cuối quý I. Vì thế những bước đi thận trọng của FED trong năm tới có thể tạo ra sự thất vọng với các nhà đầu tư".
Mọi kỳ vọng về FED trong năm 2024 hiện chỉ dừng ở mức dự đoán và các nhà đầu tư vẫn sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những bước đi của cơ quan này, trong một năm nhiều tương đối nhiều sự kiện với Phố Wall, đặc biệt là kỳ bầu cử vào cuối năm.
Phố Wall ngóng tín hiệu từ FED VTV.vn - Hiện sự chú ý của thị trường đang tập trung vào cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ kết thúc vào rạng sáng 2/11, theo giờ Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!