Như vậy, từ nay tới cuối năm, tăng trưởng tín dụng chỉ còn 4%, tức là các ngân hàng chỉ còn tối đa khoảng 457.000 tỷ đồng để cho vay. Dù còn có những ý kiến khác nhau, nhưng việc giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% là để giữ lạm phát không tăng cao nhằm ổn định vĩ mô.
Công ty TIROSS Việt Nam tiếp tục được vay vốn để tài trợ cho các hợp đồng nhập khẩu từ nay tới cuối năm. Tổng hạn mức vay khoảng 20 tỷ đồng, không giảm nhưng cũng không tăng thêm so với đầu năm.
"Nới quá nhiều, dòng tiền sẽ vào thị trường, đồng tiền sẽ mất giá, doanh nghiệp kinh doanh cảm giác lợi nhuận tăng nhưng giá trị lại không tăng, không có lợi cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Đăng Hoan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TIROSS Việt Nam, cho biết.
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín vừa được giao thêm 4% mức tăng trưởng tín dụng năm nay, tương đương với 15.000 tỷ đồng. Từ tháng này, ngân hàng thay đổi cách thức thẩm định để dòng vốn ít ỏi vừa được cấp thêm chảy đến đúng địa chỉ, hạn chế tối đa lĩnh vực rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay là 14%. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Chuyển sang phê duyệt tập trung, trực tiếp từ phía Hội sở để đảm bảo tính hệ thống xuyên suốt để kiểm soát được chất lượng cũng như quá trình thẩm định khách hàng để đảm bảo khoản tín dụng của chúng tôi cấp phát ra đạt đúng mục tiêu", ông Trần Anh Việt, Phó Giám đốc khu vực Hà Nội, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, cho hay.
Đến hết tháng 8, tăng trưởng tín dụng đạt gần 10% - mức rất cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.
"Mấy năm gần đây, chúng ta chỉ có chỉ tiêu 12%, nhưng năm nay, vì phục hồi kinh tế nên đã chấp nhận tăng lên 14%, đã tính toán trên nhiều yếu tố, quan trọng là giữ ổn định, phải cam kết để tránh tâm lý của người dân, doanh nghiệp chờ đợi nay thay đổi, mai điều chỉnh thì sẽ mất lòng tin", Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI, đánh giá.
"Một thị trường vốn hoạt động hiệu quả là nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Cần phát triển cân bằng thị trường vốn là trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ. Điều này sẽ tránh được tình trạng khi thị trường vốn có vấn đề thì tất cả các áp lực lại dồn lên tiền tệ", ông Bill Winters, Tổng Giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered, nhận định.
Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ) đã đưa ra cảnh báo, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện thuộc nhóm cao nhất thế giới khi chiếm đến 124%. Nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng Việt Nam lên 2,5 lần GDP sẽ dẫn đến bất ổn kinh tế. Vì vậy, mức tăng trưởng tín dụng phải được tính toán thận trọng, ở mức phù hợp, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!