NHNN yêu cầu NHTM "đi trên dây"

Việt Hoàng-Quang Sáng-Thứ hai, ngày 29/04/2013 07:00 GMT+7

Hình minh họa

“Đi trên dây” là hình ảnh được ví cho hoạt động kinh doanh của các NHTM hiện nay khi vừa phải tìm cách giữ thăng bằng giữa lợi nhuận vốn, vừa phải tăng mức trích lập dự phòng rủi ro.

Nợ xấu đã làm tắc nghẽn dòng vốn, tắc nghẽn luôn cả lợi nhuận của ngân hàng. Không những thế, kể từ 1/6 tới, các ngân hàng còn phải thực hiện việc phân loại lại nợ và tăng mức trích lập dự phòng rủi ro theo yêu cầu của NHNN để xử lý nợ xấu. Dĩ nhiên, khoản trích lập này sẽ phải tính vào chi phí hoạt động. Cũng có nghĩa, miếng bánh lợi nhuận sẽ tiếp tục bé lại. Mặc dù vậy, đa số các cổ đông và lãnh đạo ngân hàng cũng đều hiểu rằng, cần có một cái nhìn dài hạn.

Ông Lưu Danh Đức, cổ đông Ngân hàng Quốc tế VIB nói: “Nếu chúng ta nhìn dài hạn ra, nếu ngân hàng phát triển ổn định thì cái đầu tư của chúng ta sẽ có lợi hơn. Chúng ta sẽ phải giảm miếng bánh trước mắt, nhưng sẽ nhìn thấy cái bánh, cái phần lớn hơn sau này khi thị trường phục hồi”.

Đồng tình với NHNN, ông Hàn Ngọc Vũ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc tế VIB cho rằng: “Các quy định về trích lập dự phòng của NHNN rất phù hợp với quan điểm và logic kinh doanh nói chung của ban lãnh đạo ngân hàng. Đứng ở một góc độ nào đó thì chúng ta nghĩ nhiều hơn tới quyền lợi của những cổ đông có quyền lợi gắn bó lâu dài với ngân hàng”.

Có thể chấp nhận hy sinh lợi nhuận trong giai đoạn này, nhưng các cổ đông cũng không thể chờ đợi quá lâu vào những chuyển biến của ngân hàng để cân bằng lợi ích cho họ.

“Điều quan trọng nhất là ngân hàng phải đưa ra những chính sách, sản phẩm mới. Làm thế nào để hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, vừa phải đảm bảo được mức doanh thu, vừa đảm bảo được việc quản lý rủi ro”, bà Tống Thị Thu Hà, cổ đông Ngân hàng Quốc tế VIB nói.

Có một sự ví von rằng, ngân hàng hiện giống như những người đang phải "đi trên dây" khi vừa phải thực hiện theo các yêu cầu của NHNN về tăng dự phòng, giữ an toàn vốn, vừa phải đảm bảo được lợi ích của các cổ đông. Theo các chuyên gia kinh tế, việc ép các ngân hàng phải "đi trên dây" là điều bắt buộc. Và chỉ có ngân hàng nào biết giữ thăng bằng mới trụ lại được trên thị trường.

Trong bối cảnh của riêng Việt Nam, việc tăng dự phòng có ý nghĩa vô cùng lớn để giải quyết nợ xấu. “Giải quyết nợ xấu chỉ có hai cách: một là dự phòng, hai là tài sản đảm bảo. Mà tài sản đảm bảo hiện nay cực kỳ khó giải quyết vì chủ yếu là bất động sản cho nên trông chờ vào quỹ dự phòng. Nhưng điều này lại dồn ngân hàng vào một thế khó là chỉ ngân hàng nào giỏi mới tồn tại được”, Tiến sỹ Lê Thẩm Dương, chuyên gia ngân hàng phân tích.

Tuy nhiên, hiện đang có luồng dư luận cho rằng, vẫn còn có những ngân hàng chưa sẵn sàng cho việc tăng trích lập dự phòng rủi ro theo yêu cầu của NHNN. Và rất có thể việc này sẽ lại bị trì hoãn.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước