Thấy gì từ những con số ấn tượng của kinh tế Việt Nam năm 2020?

VTV Digital-Thứ ba, ngày 29/12/2020 06:08 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ đạt được kết quả tích cực trong kiểm soát dịch COVID-19, Việt Nam còn đạt được những thành tựu ấn tượng về phát triển kinh tế năm 2020.

Chiều 27/12, Tổng cục Thống kê công bố số liệu về kinh tế năm 2020, trong đó, GDP Việt Nam tăng 2,91% - mức tăng này thuộc nhóm cao nhất thế giới. Trong bối cảnh các tổ chức quốc tế đều dự báo kinh tế toàn cầu năm nay tăng trưởng âm khoảng 4% đây là kết quả nổi bật.

Trước tiên là con số xuất siêu 19,1 tỷ USD - mức cao nhất từ trước tới nay. Đáng chú ý, EVFTA là cú hích quan trọng trong năm qua. Bởi nếu trước thời điểm hiệp định này có hiệu lực (từ tháng 7 trở về đầu năm), tăng trưởng xuất khẩu vào EU là âm, thì từ tháng 8 khi hiệp định này có hiệu lực, tăng trưởng xuất khẩu đã chuyển sang dương và đạt mức khá.

Thứ hai là 91,1% tỷ lệ giải ngân đầu tư công - mức cao nhất trong 10 năm qua. Con số này càng đáng chú ý hơn khi mức đầu tư toàn xã hội trong năm nay lại đạt mức thấp nhất trong 10 năm. Điều này cho thấy nguồn lực Nhà nước đã phát huy vai trò là bệ đỡ trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhất.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 20 tỷ USD. Dù giảm 2% so với năm ngoái nhưng là trong bối cảnh FDI toàn cầu giảm tới 30%. Do đó, không chỉ đơn giản là về giá trị kinh tế, mà con số này còn thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến đầu tư trong năm qua. Vai trò của 1một số địa phương cũng được thể hiện rõ, mà điển hình như Quảng Ninh, Bắc Giang…

Nếu nhìn chỉ số tăng trưởng GDP trong 4 quý có thể thấy một mô hình tương tự như mô hình chữ V.

Thấy gì từ những con số ấn tượng của kinh tế Việt Nam năm 2020? - Ảnh 1.

Việt Nam còn đạt được những thành tựu ấn tượng về phát triển kinh tế năm 2020. Ảnh minh họa - VGP.

Phấn đấu GDP 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm

Tại hội nghị Chính phủ với địa phương khai mạc ngày 28/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt "mục tiêu kép" trong ứng phó COVID-19, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Quy mô nền kinh tế của Việt Nam hiện đã trong top 40 thế giới. COVID-19 là thách thức chưa từng có, nhưng cũng là minh chứng cho thấy chất lượng tăng trưởng của Việt Nam. Điều này thể hiện rõ nhất qua đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế.

Ông Jean-Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết: "Các nước châu Âu cho rằng Việt Nam là một đối tác tin cậy. Đồng thời, EVFTA sẽ có lợi trong trung và dài hạn, giúp Việt Nam tiếp cận thị trường khó tính hàng đầu thế giới, cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp châu Âu, đầu tư vào Việt Nam".

"Chính phủ Vệt Nam đưa ra các chính sách rất đúng đắn. Chúng tôi hy vọng rằng sang năm Chính phủ việt Nam cũng như nhân dân Việt Nam phải tận dụng thời gian này, có hội này sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư cũng sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam’, ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nói.

"Việt Nam đã ứng phó với COVID-19 rất hiệu quả, điều đó tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời cho thấy năng lực hàn gắn chuỗi cung ứng và duy trì độ mở của nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng", bà Virginia B.Foote - Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cho hay.

Cũng tại hội nghị ngày 28/12, Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% trong năm tới là rất thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước