Những con số kỷ lục về xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2022

Theo NLĐ-Thứ hai, ngày 23/01/2023 12:03 GMT+7

VTV.vn - Xuất nhập khẩu tiếp tục là một điểm sáng ấn tượng của kinh tế năm 2022 giữa bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.

Kết thúc năm 2022, xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới, duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp đã đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Hoạt động xuất nhập khẩu trong các năm gần đây liên tục đạt các con số ấn tượng.

Xuất nhập khẩu vượt mốc 730 tỉ USD

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 371,3 tỉ USD, tăng 10,5% so với năm trước, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao (tăng trên 8%). Tăng trưởng xuất khẩu khá tích cực ở cả khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI.

Những con số kỷ lục về xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2022 - Ảnh 1.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 730 tỉ USD.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực cho tăng trưởng chung của xuất khẩu, đạt 319,2 tỉ USD, chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 10,1% so với năm trước. Cả nước đã có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ USD.

Thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt các doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có kí kết FTA với Việt Nam. Xuất khẩu sang một số thị trường là đối tác FTA tăng cao như: sang ASEAN đạt 34 tỉ USD (tăng 17,8%) so với năm 2021; Canada đạt 6,3 tỉ USD (tăng 19,8%); Hàn Quốc đạt 24,3 tỉ USD, tăng 10,7%; Nhật Bản đạt 24,2 tỷ USD, tăng 20,4%; Ấn Độ đạt 8 tỉ USD (tăng 26,8%), Australia đạt 5,6 tỷ USD (tăng 26,2%); EU đạt 46,8 tỉ USD (tăng 16,7%)

Kim ngạch nhập khẩu cả năm đạt 358,9 tỉ USD, tăng 7,8% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu chủ yếu tập trung vào nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu, linh kiện thiết bị cần nhập khẩu phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng là chủ yếu trong trị giá hàng nhập khẩu, đạt 316,7 tỉ USD, chiếm 88,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Cán cân thương mại cả năm đã tiếp tục duy trì vị thế xuất siêu trong các năm trước, đạt mức thặng dư hàng hóa 12,4 tỉ USD.

Những con số kỷ lục về xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2022 - Ảnh 2.

Thời điểm ghi nhận các mốc kỷ lục của xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam.

Về kết quả xuất nhập khẩu ấn tượng 2022, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá việc sớm ổn định và phục hồi sản xuất sau khi kiểm soát được dịch COVID-19 đã thúc đẩy phục hồi sản xuất và các hoạt động thương mại.

Cũng theo ông Hải, năm 2022, nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ. Dù vậy, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã thẳng thắn chỉ rõ, tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm như rau quả còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Ngoài ra, việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.

Mỹ là thị trường xuất khẩu 100 tỉ USD đầu tiên của Việt Nam

Năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,39 tỉ USD và cũng là thị trường xuất khẩu đầu tiên từ trước đến nay vượt mốc 100 tỉ USD/năm.

Sau Mỹ, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, với kim ngạch đạt 57,2 tỉ USD. Ngoài ra, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỉ USD.

Tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông (Trung Quốc), với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 24,29 tỉ USD, 24,23 tỉ USD và 10,9 tỉ USD.

Xuất khẩu dệt may, da giày lập kỷ lục 71 tỉ USD

Năm 2022, hai ngành dệt may và da giày đã đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 71 tỉ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, dệt may đạt 44 tỉ USD, ngành da giày - túi xách đạt 27 tỉ USD.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2022 là năm thách thức của ngành khi đứng trước sức ép kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn khiến nhu cầu hàng dệt may, giày dép sụt giảm.

Cũng theo Vitas, trong nửa cuối năm, khó khăn bủa vây, lạm phát tác động đến sức mua toàn cầu khiến đơn đặt hàng của các doanh nghiệp sụt giảm. Tuy nhiên, ngành dệt may và da giày vẫn đạt được mức tăng trưởng 2 con số.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước