Những dấu hiệu bất thường trong nhập khẩu đường mía từ 5 nước ASEAN

VTV Digital-Thứ ba, ngày 18/01/2022 10:13 GMT+7

VTV.vn -Dấu hiệu bất thường là đa số đường tinh luyện nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam được sản xuất tại Indonesia, Malaysia với nguyên liệu chủ yếu từ đường thô nhập khẩu.

Gần 4 tháng sau khi Bộ Công Thương ra quyết định điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, Hiệp hội Mía đường Việt Nam tiếp tục gửi thông tin đến các cơ quan liên quan về các bất thường trong hoạt động này.

Cụ thể, 10 tháng đầu của năm 2021, lượng đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN tiếp tục tăng ở mức độ bùng nổ. Việt Nam đã nhập hơn 757 nghìn tấn, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra còn có những điểm bất thường liên quan đến việc hưởng mức thuế suất ưu đãi hiện nay của đường nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN (ATIGA).

Đường từ 5 nước ASEAN vào Việt Nam hiện được hưởng mức thuế ưu đãi 5% trên cơ sở giấy chứng nhận xuất xứ C/O mẫu D của Hiệp định ATIGA. Theo quy định ATIGA, với tối thiểu 40% hàm lượng có xuất xứ từ bất kỳ một nước thành viên ASEAN trong thành phần của hàng hóa, mức thuế ưu đãi được áp dụng.

Tuy nhiên, dấu hiệu bất thường chính là đa số đường tinh luyện nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam trong thời gian vừa qua được sản xuất tại các nhà máy luyện đường tại Indonesia và Malaysia với nguyên liệu chủ yếu từ đường thô nhập khẩu.

Theo Tổ chức Đường thế giới (ISO) 2 nước này nhập khẩu đường thô từ nhiều nguồn khác nhau: Thái Lan, Úc, Brazil, Nam Phi… Năm 2020, Indonesia chỉ nhập 36% đường thô từ Thái Lan, còn Malaysia chỉ nhập 2,8% đường thô từ Thái Lan.

Vì vậy, Hiệp hội mía đường cho rằng nếu thực chất đường tinh luyện nhập khẩu vào Việt Nam từ 2 quốc gia này đều có nguồn gốc đa số từ các nước ngoài khối ASEAN thì không thể được hưởng ưu đãi theo Hiệp định ATIGA.

Những dấu hiệu bất thường trong nhập khẩu đường mía từ 5 nước ASEAN - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư.

"Hiện nay lượng đường nhập vào Việt Nam nằm trong hành lang ATIGA và hưởng thuế ưu đãi có 5%. Nhưng bản chất đường có dính đến xuất xứ Thái Lan cả. Mà nếu xuất xứ Thái Lan thì thuế phải là 47%", ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng Thư ký - Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay.

Trước đó, vào tháng 9/2021, Bộ Công Thương đã ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan thông qua 5 nước ASEAN. Đây được xem là quyết định tăng mạnh hình thức điều tra sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với sản phẩm đường mía từ Thái Lan hồi tháng 6.

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho hay: "Cục phòng vệ Thương mại cũng sẽ tiến hành thẩm tra, xác định tính chính xác của các thông tin đó để phân tích và đưa ra kết luận chính xác nhất. Dự kiến, quá trình điều tra có thời hạn 6 tháng và gia hạn tối đa 6 tháng tuỳ thuộc vào mức độ phức tạp trong thẩm tra các thông tin liên quan".

Trên cơ sở những dấu hiệu bất thường về C/O mẫu D cho các lô hàng đường tinh luyện nhập khẩu từ Indonesia và Malaysia trong năm 2021, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng đề xuất cơ quan điều tra xem xét, kiểm tra, xử lý theo quy định.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước