Ý tưởng về một khu vực thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương đã xuất hiện cách đây 2 thập kỷ nhưng chỉ trở thành hiện thực khi Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (P4) được ký kết ngày 3/6/2005 giữa 4 nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore.
Từ năm 2008 - 2013, từ 4 nước ban đầu, P4 đã thu hút thêm 8 nước tham gia là Mỹ (9/2008), Australia, Peru (11/2008), Malaysia (10/2010), Việt Nam (11/2010), Mexico, Canada (6/2012) và Nhật Bản (7/2013), nâng tổng số thành viên lên 12 nước.
Từ năm 2010, P4 chính thức có tên là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong cùng năm, vòng đàm phán TPP đầu tiên được tiến hành tại Melbourne, Australia.
Tháng 12/2013, Bộ trưởng 12 nước từ bỏ mục tiêu hoàn tất đàm phán trong năm 2013 sau khi không thu hẹp được bất đồng về quyền sở hữu trí tuệ.
Năm 2014, các cuộc đàm phán được tiến hành theo phương thức song phương, chủ yếu tập trung vào kết quả đàm phán giữa Mỹ và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất TPP. Tuy nhiên, khoảng cách quá lớn giữa hai nước về vấn đề ô tô và sản phẩm nông nghiệp khiến đàm phán TPP một lần nữa bỏ lỡ thời hạn chót.
Tháng 7/2015, Bộ trưởng 12 nước đàm phán TPP họp tại Hawaii (Mỹ) nhưng vẫn không khai thông được bất đồng.
Ngày 5/10/2015, sau 5 ngày đàm phán cam go do bất đồng về thời gian bảo hộ độc quyền các sản phẩm sinh dược thế hệ mới, đại diện 12 nước đã tìm được tiếng nói chung và đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Phiên họp tại Atlanta đã chính thức kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có quy mô lớn nhất trong lịch sử.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.