Những điểm nhấn của chứng khoán thế giới

VTV Digital-Thứ ba, ngày 31/12/2024 15:40 GMT+7

VTV.vn - Chứng khoán thế giới nhìn chung đã có một phiên giao dịch đầu tuần trầm lắng, với khối lượng giao dịch hạn chế.

Năm bứt phá của thị trường chứng khoán Mỹ

Chứng khoán thế giới nhìn chung đã có một phiên giao dịch đầu tuần trầm lắng, với khối lượng giao dịch hạn chế, khi giới đầu tư chốt lời và tạm nghỉ để chuẩn bị đón năm mới 2025. Kết thúc phiên giao dịch đêm qua theo giờ Việt Nam, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm điểm.

Tuy vậy, kết quả này cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến những kết quả tích cực mà giới đầu tư Phố Wall đã đạt được trong cả năm 2024 vừa qua.

Bất chấp sự chững lại gần đây, năm 2024 vẫn là một năm thành công đối với thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số công nghệ Nasdaq đang hướng tới mức tăng khoảng 30% trong cả năm nay, trong khi chỉ số S&P 500 tăng khoảng 24%. Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng tăng gần 13% so với mức đóng cửa hồi cuối năm 2023.

Đà tăng diễn ra với hầu hết các ngành, trong đó, công nghệ, dịch vụ truyền thông và hàng tiêu dùng đã đạt kết quả ấn tượng nhất, với mức tăng khoảng 30%. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay và những thay đổi chính sách dự kiến sẽ diễn ra trong năm tới tại Mỹ như giảm thuế doanh nghiệp hay nới lỏng các quy định, được kỳ vọng sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho thị trường chung.

Những điểm nhấn của chứng khoán thế giới - Ảnh 1.

Năm bứt phá của thị trường chứng khoán Mỹ - Ảnh: THX

Các cổ phiếu ấn tượng nhất trong năm 2024

Trong một năm bùng nổ của thị trường chứng khoán, mọi sự chú ý đều đang đổ dồn vào những cổ phiếu ấn tượng nhất trong năm nay, với mức tăng lên tới ba chữ số, bỏ xa đà tăng chung của thị trường.

Cái tên ấn tượng nhất phải kể đến là Nvidia. Hãng chip này đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong năm vừa qua, khi có những lần vượt qua Apple để trở thành công ty giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.

Nvidia đã có một năm bùng nổ mạnh mẽ nhờ làn sóng trí tuệ nhân tạo AI. Cổ phiếu này đã tăng tới 177,63% kể từ đầu năm tới nay, đẩy giá trị vốn hóa lên 3,36 nghìn tỷ USD.

Tuy nhiên, nếu chỉ xét về mức tăng nổi bật trong cả năm, Nvidia lại chỉ đứng vị trí thứ ba trong số các cổ phiếu S&P 500. Dẫn đầu thị trường là cổ phiếu của Palantir Technologies - công ty phân tích dữ liệu hỗ trợ AI, với mức tăng 349,5%. Tiếp đó, là Vistra - một công ty hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng. Cổ phiếu của hãng đã tăng 263,68%, nhờ nhu cầu năng lượng ngày càng tăng đối với các trung tâm dữ liệu AI.

Sản xuất chip, năng lượng và dữ liệu AI - có thể thấy là các cổ phiếu dẫn dắt thị trường chứng khoán Mỹ trong năm vừa qua, đều xoay quanh làn sóng trí tuệ nhân tạo đang bùng nổ mạnh mẽ. Và việc cơn sốt này có tiếp tục duy trì được hay không, cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến triển vọng thị trường chứng khoán trong năm tới.

Chứng khoán châu Âu chịu nhiều sức ép

Tại châu Âu, thị trường chứng khoán cũng giảm nhẹ trong phiên giao dịch vừa qua và đang hướng tới mức tăng vừa phải trong cả năm, do sức ép từ nhiều yếu tố.

Kể từ đầu năm tới nay, Chỉ số Stoxx 600 của châu Âu tăng 5,4% - thấp hơn đáng kể so với các chỉ số chứng khoán của Mỹ. Chỉ số CAC 40 của Pháp ghi nhận mức giảm lớn nhất là 3,04% do những lo ngại về thâm hụt ngân sách tăng vọt và tình hình bất ổn chính trị tại Pháp. Ở chiều ngược lại, chỉ số DAX của Đức dẫn đầu đà đi lên của khu vực với mức tăng 18,85%. Ngân hàng là nhóm ngành hoạt động tốt nhất tại thị trường chứng khoán khu vực châu Âu trong năm nay, trong khi thực phẩm, đồ uống và ô tô là những ngành hoạt động kém hiệu quả.

Ông Oliver Roth - Trưởng bộ phận giao dịch, công ty Oddo BHF cho biết: "Có thể mô tả đây là một năm vừa ngọt ngào vừa chua chát đối với DAX. Ngọt ngào tất nhiên là bởi chỉ số đã có thể tăng gần 20% và chắc chắn là có giá trị cao. Tuy nhiên, chua chát là ở chỗ chúng ta đã chứng kiến các ngành công nghiệp truyền thống, từ các nhà cung cấp năng lượng, các công ty hóa chất cho tới các nhà sản xuất ô tô, đã phải đối mặt với nhiều rào cản kinh tế ở Trung Quốc, Mỹ. Và đây chắc chắn cũng là điều sẽ còn xảy ra trong năm 2025".

Những điểm nhấn của chứng khoán thế giới - Ảnh 2.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024, chứng khoán Nhật Bản giảm điểm - Ảnh: AFP

Những gam màu sáng của chứng khoán châu Á

Thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương đang dần khép lại năm 2024 với nhiều gam màu tươi sáng khi phần lớn các chỉ số chính trong khu vực đều ghi nhận mức tăng ấn tượng. Sự bùng nổ của các cổ phiếu công nghệ và chính sách tiền tệ nới lỏng từ các ngân hàng Trung ương trong khu vực là những động lực chính thúc đẩy sự bứt phá này.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024, chứng khoán Nhật Bản giảm điểm, nhưng vẫn chốt giá đóng cửa cuối năm ở mức cao kỷ luc. Tính chung cả năm, chỉ số này đã tăng hơn 19% nhờ lợi nhuận mạnh mẽ của các doanh nghiệp và đà giảm của đồng Yen thúc đẩy các cổ phiếu nhóm ngành xuất khẩu. Nhiều kỷ lục mới đã được ghi nhận.

Ông Hiromi Yamaji - Tổng giám đốc điều hành Sở giao dịch chứng khoán Nhật Bản chia sẻ: "Hồi tháng 2, chỉ số Nikkei 225 đã vượt qua mức 38.915 điểm, thiết lập mức cao kỷ lục mới đầu tiên sau 34 năm, kể từ khi kết thúc giai đoạn kinh tế bong bóng vào năm 1989. Giá cổ phiếu cho thấy sự tiến triển ổn định và đã đạt mức đỉnh trong năm nay là 42.224 điểm hôm 11/7, trong khi chỉ số TOPIX cũng lập kỷ lục mới".

Ngoài Nhật Bản, nhiều thị trường khác cũng tăng điểm ấn tượng trong năm nay, khi các nền kinh tế nới lỏng chính sách tiền tệ. Chỉ số chứng khoán của Đài Loan (Trung Quốc) và chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) khép lại năm 2024 với mức tăng hai chữ số nhờ làn sóng trí tuệ nhân tạo bùng nổ, đẩy giá cổ phiếu của các công ty công nghệ tăng cao. Đà tăng này có thể chưa dừng lại, khi ngành bán dẫn toàn cầu đang bước vào chu kỳ mở rộng hứa hẹn sẽ kéo dài đến hết năm 2025.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng đã có một bước ngoặt đáng kể trong năm 2024 khi phá vỡ chuỗi sụt giảm kéo dài ba năm. Chỉ số CSI 300 đã tăng 16,55% nhờ kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc.

Ông Jordan Cvetanovski - Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư, Công ty Pella Funds nêu ý kiến: "Bất kỳ biện pháp kích thích nào từ Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ rất có lợi cho cổ phiếu của các doanh nghiệp chất lượng cao, đặc biệt là khi các cổ phiếu đang bị định giá thấp. Chúng tôi kỳ vọng vào mức lợi nhuận rất cao trong năm tới".

Ở chiều ngược lại, chứng khoán Hàn Quốc có một năm khó khăn, khi giảm tới 9,63%. Hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, cùng với những lo ngại về thuế quan và bất ổn chính trị là những yếu tố khiến Hàn Quốc trở thành một trong những thị trường chứng khoán hiếm hoi tại châu Á hoạt động kém hiệu quả trong năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước