Những điểm nổi bật tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg lần thứ 26 (SPIEF)
Thường được gọi là "Davos của Nga", Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg lần thứ 26 (SPIEF) đã kết thúc tuần qua, tập trung vào các vấn đề kinh tế quan trọng không chỉ riêng với nước Nga, mà còn của các thị trường mới nổi và toàn thế giới.
"Tương tác với các quốc gia thân thiện" được xem trọng tâm tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg năm nay. Nhiều chủ đề khác nhau cũng được thảo luận, từ cách xoay trục sang thế giới đa cực với các hình thức hợp tác quốc tế mới, đến phi đô la hóa, tương lai của tiền tệ và cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo toàn cầu.
Một trong những con số ấn tượng của Diễn đàn kinh tế St. Petersburg năm nay là số lượng người tham gia khi có gần 17.000 đại biểu từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg (SPIEF) lần thứ 26 diễn ra tại trung tâm triển lãm Expoforum ở thành phố lớn thứ hai của Nga St.Petersburg. Ảnh: Tân Hoa Xã
Điểm khác biệt chính là việc giảm danh sách khách mời từ các quốc gia "không thân thiện" với Nga, thay vào đó là sự góp mặt của đông đảo chính khách, doanh nghiệp các nước Trung Đông, châu Á, châu Phi và Mỹ Latin.
Có 3.500 nhà báo tham dự diễn đàn, nhưng không có các nhà báo Phương Tây. Nhiều chuyên gia cho rằng, Diễn đàn kinh tế St. Petersburg năm nay thể hiện rõ nhất bức tranh kinh tế Nga trong thực tế mới đó là sự chuyển hướng sang phía Đông và Nam.
Như tuyên bố tại diễn đàn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong năm qua toàn bộ kết cấu kinh doanh ở Nga đã buộc phải vẽ lại nhưng những con số kinh tế ở thời điểm này cho thấy chiến lược được Nhà nước mà giới kinh doanh lựa chọn đã phát huy tác dụng.
Dự báo kinh tế Nga tăng trưởng từ 1,5 đến 2% trong năm nay, cao hơn dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là 0,7% và cao hơn cả mức tăng trưởng kinh tế được sự báo của khu vực đồng Euro là 1,1%.
Nga chuyển hướng sang "nền kinh tế trọng cung"
Nước Nga hướng đến "nền kinh tế trọng cung" - Tổng thống Nga đã khẳng định điều này tại Diễn đàn kinh tế St. Petersburg.
Một nền kinh tế như vậy đòi hỏi phải xây dựng lực lượng sản xuất trên quy mô lớn, củng cố mạng lưới cơ sở hạ tầng, làm chủ công nghệ, tạo ra các cơ sở công nghiệp hiện đại. Điểm nhấn đầu tư sẽ là các công ty trong nước có thể thay thế các công ty nước ngoài đã rời bỏ thị trường Nga.
Hiện xu hướng Rebranding - việc làm mới các thương hiệu Phương Tây - đang diễn ra nhanh hơn lúc nào hết ở Nga. Ví dự như KFC thành Rostic's, Starbucks thành Stars Coffee, Zara thành Magg…
Nhiều nhãn hiệu Phương Tây ra đi nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế vẫn tồn tại và phát triển ở một cấp độ mới. Bên cạnh đó, mặc dù Tổng thống Putin tuyên bố Nga không đặt mục tiêu đô la hoá nền kinh tế thế giới, nhưng quá trình này vẫn đang diễn ra.
Đầu năm 2022, các khoản thanh toán USD và Euro chiếm gần 90% kim ngạch thương mại Nga, nay hơn 50% giao dịch được thực hiện bằng nội tệ. Những điều này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược xây dựng một nền kinh tế có chủ quyền của Nga.
Người dân mua hàng tại một siêu thị ở Nga. (Ảnh: Saint-Petersburg.com)
Kinh tế Nga ngày càng gắn kết với Vùng Vịnh
Vào những năm 2000, khi nền kinh tế Nga bùng nổ, các nhà đầu tư và chủ ngân hàng đầu tư lớn của Phương Tây đổ xô đến Diễn đàn Kinh tế quốc tế thường niên Saint Petersburg để tìm kiếm các hợp đồng làm ăn. Tuy nhiên, gần đây, vai trò ấy đã thuộc về các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Ấn Độ.... Diễn đàn mỗi năm có một quốc gia là khách mời đặc biệt và năm nay là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Điều này cho thấy không gian hợp tác mới đang được Nga mở rộng.
Kim ngạch thương mại giữa Nga và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAAE) đã tăng gần 70% trong năm ngoái. Đáng chú ý, cả hai nước đều là những nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu. Vậy điều gì có thể khiến thương mại giữa Nga và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tăng trưởng mạnh mẽ như vậy? Một sự tăng trưởng lại đến vào đúng thời điểm các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga.
Theo lý giải của Bộ trưởng Kinh tế Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thì 2 nước đã xây dựng được một cách tiếp cận vững chắc và nhiều ý nghĩa để hợp tác trong các lĩnh vực như khoa học, trí tuệ nhân tạo năng lượng xanh hay công nghệ. Trong khi Bộ trưởng Công Thương Nga cho biết, các công ty Nga hiện đang dành một sự quan tâm lớn trong việc thiết lập các cơ sở... từ sản xuất cho tới kho vận tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) giống như nhiều nước Vùng Vịnh khác, từ chối tham gia vào các lệnh cấm vận chống Nga của phương Tây. Nhưng không chỉ có vậy, nước này giờ đây còn như một cánh cửa để hàng hóa Nga tiến ra thế giới.
Chẳng hạn như vàng, các lệnh cấm vận của Phương Tây đánh vào xuất khẩu vàng của Nga nhưng trong năm ngoái Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) lại đã nhập tới 76 tấn vàng từ Nga, trị giá hơn 4 tỷ USD. Trong khi năm 2021, quốc gia này chỉ nhập có 1,3 tấn vàng của Nga.
Theo trang báo Middle East Eyes, kinh doanh với Nga đã góp phần biến Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trở thành một trong những thị trường lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất đối với giao dịch vàng.
Bên cạnh đó, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng đang chứng kiến một sự tăng trưởng mạnh mẽ trên thị trường bất động sản mà những khách từ Nga đang chiếm đa số.
Theo trang báo Wamda chuyên các vấn đề kinh doanh tại Trung Đông, Bắc Phi, người Nga nay đứng đầu trong số các khách hàng quốc tế mua bất động sản tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Năm ngoái, hơn 1 triệu người Nga đã tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Nhưng không chỉ có vậy, những dòng di cư từ Nga còn mang tới rất nhiều chất xám cho Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Chẳng hạn, có hơn 100.000 chuyên gia công nghệ thông tin đã rời Nga kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Rất nhiều người trong số đó đã tới Dubai.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng không phải là quốc gia Vùng Vịnh duy nhất chứng kiến một sự gắn kết kinh tế ngày càng chặt chẽ với Nga. Như với Saudi Arabia, Nga cho biết cũng đang muốn đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa từ Riyadh, nhằm thay thế những nguồn cung trước đây, nay cấm vận Nga. Trong khi, Saudi Arabia được cho đang nhìn thấy nhiều tiềm năng trong việc nhập khẩu khoáng sản, dược phẩm, công nghệ hay các sản phẩm trong ngành công nghiệp hàng không của Nga.
Mở rông không gian hợp tác với các đối tác thân thiện cũng như chuyển hướng sang "một nền kinh tế trọng cung" sẽ là những đường hướng phát triển kinh tế mới của Nga được chỉ ra sau Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg năm nay. Đây sẽ là một kế hoạch tổng thể đòi hỏi sự quyết tâm cao khi mà dự báo các biện pháp cấm vận sẽ khó có thể giảm bớt trong thời gian tới, nếu xung đột tại Ukraine chưa kết thúc.
Khó khăn vẫn ở phía trước, nhưng thông tin tích cực đó là ước tính khối lượng hợp đồng được ký kết tại diễn đàn kinh tế năm nay có thể lên tới 6.000 tỷ Ruble, tương đương gần 72 tỷ USD theo tỷ giá hiện hành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!