Những thương vụ thâu tóm truyền thông đình đám thời gian qua, thứ nhất phải kể đến hãng viễn thông AT&T mua lại tập đoàn truyền thông Time Warner của Mỹ với giá hơn 85 tỷ USD. Tuy nhiên, thương vụ này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Bộ Tư pháp Mỹ do lo ngại làm tăng chi phí cho người tiêu dùng và các đối thủ cạnh tranh.
Tiếp đến là "gã khổng lồ" giải trí Mỹ Walt Disney mua lại mảng kinh doanh giải trí của 21 st Century Fox với giá 52,4 tỷ USD. Đây được coi là "cơn địa chấn" đối với thế giới truyền thông giải trí khi giờ đây hai studio lớn trên thế giới đã thu về làm một dưới mái nhà của chú chuột Mickey và chỉ còn lại 5 hãng phim lớn của thế giới là Warner Bros., Paramount Pictures, Universal, Sony.
Gần đây nhất, Verizon đang hoàn tất việc mua lại mảng truyền thông mạng của Yahoo với giá 4,48 tỷ USD. Điều này kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường mảng nội dung và quảng cáo của Verizon.
Tất cả những thương vụ này đều khiến các tập đoàn truyền thông như "hổ mọc thêm cánh". Những hãng phim vốn đã lớn nay càng lớn hơn, các nhà mạng thì lấn sân sang cả giải trí và tin tức. Tuy nhiên, còn người tiêu dùng liệu có được lợi?
Người tiêu dùng sẽ chịu ảnh hưởng gì từ những vụ thâu tóm của các "ông trùm" truyền thông?
Nhà mạng điện thoại AT&T muốn mua lại Times Warner trong một thương vụ trị giá 85 tỷ USD. Nếu mua được, AT&T sẽ có quyền sở hữu một loạt các nội dung, ứng dụng đình đám: Chương trình tin tức CNN, hãng phim Warner Bros và HBO. Tuy nhiên, một nhà mạng điện thoại sở hữu những nội dung này để làm gì?
"Mọi người bây giờ xem tivi như thế nào, xem trên điện thoại hay trên iPad? Nói tóm lại là trên các thiết bị di động. Nếu AT&T mua được các nội dung trên, đồng thời bán ra gói mạng di động xem như AT&T nắm trọn trong tay hàng trăm triệu người tiêu dùng. Sở hữu những nội dung đó bất kể là phim Trò chơi vương quyền hay tin tức CNN, sẽ giúp AT&T mạnh thêm bội phần trên thị trường, để định đoạt tương lai ngành truyền thông toàn cầu" - ông Brian Stelter, chuyên gia truyền thông CNN nói.
Nắm trong tay các nội dung ăn khách, lại còn sở hữu mạng di động, AT&T sẽ tuỳ ý phân bổ, bán ra các nội dung trên theo cách có lợi nhất cho họ. Tuy nhiên, điều này liệu có lợi cho người tiêu dùng không?
Ông Randall Stephenson, CEO của AT&T - cho biết: "Chúng tôi muốn đem đến những gói tin tức giải trí và kết nối mạng rẻ hơn cho người tiêu dùng. Mọi thứ sẽ được quy về một mối".
Tuy nhiên, Nhà Trắng không hẳn là ủng hộ thương vụ này. Từ đầu năm 2017, khi còn tranh cử Tổng thống, hai ứng viên Donald Trump và Hilary Clinton đều tỏ ra lo ngại về thế độc quyền của các tập đoàn truyền thông đang quá lớn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!