Ảnh minh họa. (Nguồn: korea.net)
Hai ngày sau phán quyết của Toà án Hiến Pháp, ngày 12/3, bà Park Geun-hye đã chính thức rời khỏi phủ Tổng thống của Hàn Quốc, tạm khép lại một chương hỗn loạn trong lịch sử chính trị nước này.
Ngay trong tuần này, Seoul cũng sẽ thông báo ngày bầu cử Tổng thống sớm, nhằm ổn định tình hình và khôi phục niềm tin của giới đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế thứ 4 châu Á đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề.
Căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc
Mối đe dọa trực tiếp đầu tiên đến từ các đòn trả đũa của Trung Quốc liên quan đến việc Hàn Quốc quyết định cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ của mình. Hàng loạt các công ty Trung Quốc đã chấm dứt tất cả tour du lịch đến Hàn Quốc, dừng nhập khẩu các mặt hàng điện tử gia dụng có xuất xứ từ nước này, trong khi Lotte – tập đoàn kinh tế hàng đầu của xứ sở kim chi liên tục bị gây khó dễ. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, khi nhập tới 1/4 lượng hàng hoá xuất khẩu của Hàn Quốc và cũng chiếm hơn một nửa lượng khách du lịch đến Hàn Quốc mỗi năm.
Lãnh đạo các doanh nghiệp lớn gặp rắc rối
Bê bối tham nhũng không chỉ khiến bà Park bị phế truất mà còn ảnh hưởng tới nhiều công ty lớn của Hàn Quốc. Người thừa kế đế chế Samsung, Lee Jae-yong và một số lãnh đạo cấp cao khác đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc, và có nguy cơ sẽ phải ngồi tù. Nếu điều này xảy ra, một khoảng trống lớn sẽ xuất hiện trong đội ngũ lãnh đạo của Samsung, làm trì hoãn các quyết định quan trọng về chiến lược kinh doanh và đầu tư của tập đoàn đang đóng góp tới 15% GDP của nền kinh tế Hàn Quốc.
Khủng hoảng của ngành vận tải đường biển
Một thành phần quan trọng khác của nền kinh tế Hàn Quốc là ngành đóng tàu và vận tải biển cũng đang trong cảnh khốn đốn do sự sụt giảm của thương mại thế giới. Hanjin Shipping, một trong những hãng vận chuyển hàng đầu của Hàn Quốc, đã phá sản hồi năm ngoái. Seoul đã phải cam kết rót hàng tỷ USD để cứu các hãng đóng tàu lớn nước này, tuy nhiên vẫn không thể tránh được việc hàng nghìn nhân công bị sa thải trong thời gian qua.
Sự trì trệ trong cải cách kinh tế
Bê bối chính trị còn đến vào thời điểm không thể xấu hơn, khi nền kinh tế Hàn Quốc đang ở trong giai đoạn trì trệ do tăng trưởng thấp, nợ công cao, dân số già hoá nhanh chóng, thêm vào đó là sự thiếu vắng các cải cách kinh tế hiệu quả. Việc đưa ra các chính sách cải cách kinh tế nhằm đưa xứ sở kim chi thoát khỏi tình trạng này, chắc chắn sẽ được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của các ứng viên tham gia chạy đua vào Nhà Xanh trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sắp tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!