Theo CNBC, yếu tố đầu tiên quyết định đến sự thành bại của các khởi nghiệp taxi công nghệ là khả năng sớm kết thúc giai đoạn "đốt tiền", bởi đã làm ăn thì phải có lãi.
Hiện Uber đang là một trong những hãng taxi công nghệ làm tốt chuyện này nhất khi báo cáo kinh doanh quý IV cho thấy khởi nghiệp có giá trị lớn nhất hành tinh này đang cắt lỗ hiệu quả, từ 1,46 tỷ xuống còn 1,1 tỷ USD.
Tăng trưởng nhanh và mở rộng sang các thị trường mới là chiến lược giúp Uber tăng thị phần và doanh thu.
Tuy nhiên theo Goldman Sachs, chính các thành phố giàu có tại châu Á mới là động lực tăng trưởng chính của ngành này. Dự báo số xe chạy trên đường tại đây sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, và khi đó, thị trường gọi xe trực tuyến sẽ phình to tới 8 lần.
Cơ hội trên thị trường quốc tế không ít, nhưng "nhập gia tùy tục". Các khởi nghiệp còn phải khéo léo tuân thủ quy định và hiểu rõ đặc thù của từng địa phương.
Ví dụ như ứng dụng Ola tại Ấn Độ đã cho ra mắt một phần mềm riêng cho những người có kết nối Internet thấp, để chiếm thị phần tại quốc gia 1,25 tỷ dân với 800 triệu người thuộc độ tuổi vàng, trẻ trung và thích sự tiện lợi.
Chính khả năng thấu hiểu thị trường địa phương cũng đã giúp Didi Chuxing của Trung Quốc trở thành cái tên được CEO Apple Tim Cook "chọn mặt gửi vàng".
Không chỉ vậy, cục diện đã thay đổi khi có sự vào cuộc của Softbank và ông trùm đầu tư người Nhật, Masayoshi Son. Các khởi nghiệp cần tiền để hoạt động, còn Softbank có tài chính để điều khiển. Kỳ vọng của ông lớn này là đưa các công ty lên sàn, đặc biệt là Uber.
Chính vì vậy, bên cạnh chuyện phải làm ăn có lãi, các hãng taxi công nghệ còn phải duy trì mối quan hệ êm thấm với Softbank để không bị đối thủ thâu tóm, như câu chuyện của Uber tại thị trường Đông Nam Á vừa qua.
Taxi công nghệ thời vẫy khách VTV.vn - Nhiều lái xe công nghệ đã có xu hướng quay trở về hoạt động theo hình thức kinh doanh vận tải truyền thống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!