Tính đến vòng 1/8 World Cup, Adidas vẫn dẫn đầu tuyệt đối khi có tới 8 trên tổng số 16 đội vượt qua vòng bảng sử dụng áo đấu của họ.
Tuy nhiên sau vòng đấu này, gió đã đảo chiều. Các đội bóng được Adidas ủng hộ chỉ còn lại Bỉ, nước chủ nhà Nga và Thụy Điển. Đối thủ Nike đã nhanh chóng vượt lên với 4 đội bóng, bao gồm các ứng viên vô địch hàng đầu là Brazil, Anh, Pháp, Croatia và đang mơ tới một trận chung kết hay thậm chí là vòng bán kết toàn Nike.
Theo các chuyên gia, mặc dù những nhà sản xuất trang phục thể thao thường bán một lượng lớn hàng hóa trước khi World Cup chính thức khởi tranh nhưng những thành công trên sân cỏ của các đội bóng mặc áo đấu do họ sản xuất có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn nữa.
Ngược trở về năm 2014, khách hàng Đức chiếm tới 1/3 doanh số bán áo của Adidas, với 10% gia tăng doanh số bán hàng đến từ chức vô địch của Cỗ xe tăng Đức năm đó. Còn năm nay, nhà đương kim vô địch vừa phải xách vali về nước từ vòng bảng, cổ phiếu Adidas đã rớt giá 2,7% ngay trong phiên giao dịch tiếp theo.
Theo thống kê, giá cổ phiếu của Nike đã tăng hơn 3%, chủ yếu nhờ vào các báo cáo tích cực về tình hình kinh doanh và triển vọng bán hàng được công bố tuần trước. Còn Adidas lại phải chứng kiến sự sụt giảm khoảng 5% kể từ khi World Cup bắt đầu khởi tranh hồi giữa tháng 6 vừa qua. Có vẻ như lợi thế đang thuộc về Nike trên hành trình "đoạt cúp" ở World Cup năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!