Nikkei: Apple, Google chưa chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam vì COVID-19

Thuỳ An-Thứ tư, ngày 18/08/2021 15:21 GMT+7

Ảnh: Nikkei

VTV.vn - Mẫu smartphone Pixel 6 của Google, hay mẫu tai nghe AirPods mới của Apple… sẽ tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc thay vì ở Việt Nam như kế hoạch trước đó.

Theo Nikkei, sự bùng phát của dịch COVID-19 đang phá vỡ kế hoạch chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam của Apple, Google, Amazon và các nhà cung cấp chính của những hãng này.

Dựa vào 4 nguồn tin thân cận về vấn đề này, Nikkei cho biết thế hệ smartphone mới là Pixel 6 sẽ được sản xuất tại Trung Quốc mặc dù trước đó Google đã có kế hoạch chuyển việc sản xuất thiết bị này ở miền Bắc (Việt Nam) vào hồi đầu năm ngoái.

“Giống như mẫu Pixel 5, những chiếc Pixel 6 sẽ tiếp tục được lắp ráp tại Thâm Quyến do nguồn lực kỹ thuật hạn chế ở Việt Nam, cũng như do hạn chế trong việc đi lại”, Nikkei nói.

Nikkei: Apple, Google chưa chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam vì COVID-19 - Ảnh 1.

Theo Nikkei, smartphone Pixel 6 sẽ tiếp tục được sản xuất tại Trung Quốc

Trong khi đó, 2 nguồn tin thân cận nói với Nikkei rằng Apple sẽ sản xuất thế hệ tai nghe mới AirPods tại Trung Quốc thay vì Việt Nam như kế hoạch trước đó. Tuy nhiên, Apple vẫn hy vọng sau này có thể chuyển 20% sản lượng AirPods mới sang Việt Nam.

Cả hai mẫu AirPods bình dân và cao cấp là những sản phẩm sớm nhất mà Apple lắp ráp với số lượng đáng kể tại Việt Nam, sau khi chuyển sản xuất khoảng hai năm trước khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên cao.

Cũng theo Nikkei, kế hoạch chuyển sản xuất MacBook và iPad của Apple sang Việt Nam cũng bị hoãn lại do thiếu nguồn lực kỹ thuật, chuỗi cung ứng máy tính xách tay chưa hoàn thiện và tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp.

Ngoài Apple và Google, việc sản xuất chuông cửa thông minh, camera an ninh và loa thông minh cho Amazon cũng phải đối mặt với sự chậm trễ kể từ tháng 5 khi mà COVID-19 bùng phát ở một số địa phương ở miền Bắc.

Nhờ lực lượng lao động trẻ và vị trí gần Trung Quốc, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà sản xuất công nghệ khi Washington bắt đầu áp thuế trừng phạt đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất vào năm 2018. Các nhà cung cấp của Apple, Google, Amazon, Microsoft và Dell đã thiết lập hoặc mở rộng nhà máy tại Việt Nam trong vài năm qua.

Tuy nhiên, việc xây dựng một chuỗi cung ứng khu vực mới cũng đòi hỏi các kỹ sư có kinh nghiệm và những công nhân địa phương được đào tạo. Một giám đốc điều hành chuỗi cung ứng của Apple và Google nói với Nikkei rằng việc Trung Quốc và Việt Nam đều đã áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn trong năm nay đã làm chậm quá trình chuyển dịch sản xuất giữa hai nước.

"Lực lượng kỹ sư tại Việt Nam vẫn chưa đủ. Với các lệnh hạn chế đi lại hiện tại, việc sản xuất các sản phẩm ở Việt Nam đã được lắp ráp hàng loại tại các nơi khác là khả thi hơn sản xuất những sản phẩm sắp ra mắt”, vị giám đốc này cho biết.

Cũng theo Nikkei, việc đưa lao động sang Việt Nam cũng trở nên khó khăn hơn kể từ làn sóng COVID-19 thứ 4 bùng phát hồi tháng 5.

Ngoài ra theo Nikkei, để đối phó với COVID-19, nhiều địa phương tại Việt Nam đã yêu cầu các nhà máy ngừng sản xuất trừ khi có thể bố trí chỗ ăn, ngủ hoặc đi lại cho công nhân. Samsung Electronics đã tạm dừng sản xuất tại TP Hồ Chí Minh và cắt giảm lao động do dịch bệnh phức tạp. Hồi tháng 5, các nhà cung cấp lớn của Apple như Foxconn, Luxshare và Goertek cũng phải dừng sản xuất ở miền Bắc.

Song theo Annabelle Hsu - nhà phân tích của hãng nghiên cứu IDC cho rằng bất kỳ trở ngại nào đối với Việt Nam – quốc gia vốn đã nổi lên như một địa điểm sản xuất thay thế quan trọng cho Trung Quốc có thể chỉ là tạm thời.

"Chúng tôi nhận thấy có một số tác động đến dây chuyền sản xuất và sự chậm lại trong chuyển dịch năng lực sản xuất là do sự bùng phát của COVID-19 và các biện pháp của chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ rằng chính phủ Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt như vậy trong thời gian dài”, Annabelle Hsu nói.

Apple, Amazon và Google đã từ chối bình luận về những thông tin nói trên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước