Nợ công toàn cầu sẽ vượt 100.000 tỉ USD vào cuối năm nay

VTV Digital-Thứ ba, ngày 22/10/2024 20:58 GMT+7

VTV.vn - Nền kinh tế toàn cầu đang dần thoát khỏi áp lực lạm phát nhưng vẫn đối mặt nhiều thách thức lớn, bao gồm khối nợ công tăng nhanh của các Chính phủ.

Đêm qua tại thủ đô Washington D.C (Mỹ), Ngân hàng Thế giới WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã khai mạc Diễn đàn kinh tế mùa thu, để thảo luận những vấn đề đang nổi lên của kinh tế thế giới và những thách thức đang phải đối mặt cần vượt qua.

Nền kinh tế toàn cầu đang dần thoát khỏi áp lực lạm phát nhưng vẫn đối mặt nhiều thách thức lớn, bao gồm khối nợ công tăng nhanh của các Chính phủ. Trong khi đó, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới cũng là một ẩn số tác động đến các chính sách kinh tế của Mỹ và thương mại toàn cầu. Đây sẽ là những trọng tâm được thảo luận tại sự kiện lần này, diễn ra từ nay đến ngày 26/10.

Kinh tế toàn cầu hướng tới thời điểm cuối năm với những thuận lợi bất ngờ khi lạm phát hạ nhiệt, mở ra kịch bản hạ cánh mềm, tức mức tăng trưởng chậm lại nhưng không suy thoái và gây thất nghiệp hàng loạt.

Bà Kristalina Georgieva - Tổng Giám đốc IMF nêu ý kiến: "Trước hết, chúng ta hãy trân trọng những thông tin tích cực. Sự kết hợp giữa việc thực thi chính sách tiền tệ quyết liệt, nới lỏng các hạn chế về chuỗi cung ứng và điều tiết giá lương thực, năng lượng đã đưa giá cả trở lại hướng ổn định. Và điều này đã được thực hiện mà không đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái, điều mà chúng ta đã thấy trong đại dịch và sau các đợt lạm phát trước đây. Nhưng tôi kỳ vọng rằng mọi người sẽ rời khỏi đây với tâm trạng phấn chấn hơn nhưng đồng thời cũng bất an hơn một chút để khiến họ sẵn sàng hành động".

Theo IMF, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới có thể dẫn đến những tác động lớn đến thương mại toàn cầu.

Trong tuyên bố mới nhất, ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh nếu trở thành người đứng đầu Nhà Trắng, ông sẽ áp mức thuế ít nhất 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu. Riêng với hàng hóa Trung Quốc, ông đe dọa sẽ áp thuế 60% hoặc cao hơn. Điều đó có thể gây ra sự hỗn loạn cho doanh nghiệp, theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.

Bên cạnh đó, nợ công toàn cầu tăng vọt, sẽ vượt 100.000 tỉ USD vào cuối năm nay, tương đương 93% GDP toàn cầu. Xung đột tiếp tục leo thang ở Trung Đông - "rốn dầu" của thế giới.

Bà Kristalina Georgieva - Tổng Giám đốc IMF cho biết thêm: "Trong tương lai, thương mại sẽ không còn là động lực tăng trưởng như trước nữa. Đó là sự chia rẽ mà tôi đã cảnh báo vào năm 2019, ngay tại nơi này. Ngoại trừ việc nó còn tệ hơn. Nó giống như dội gáo nước lạnh vào nền kinh tế thế giới. Tăng trưởng trung hạn được dự báo là ảm đạm, không giảm mạnh so với thời kỳ trước đại dịch, nhưng còn lâu mới đủ tốt".

Bloomberg Economics dự báo, GDP toàn cầu sẽ tăng 3% trong năm nay, thấp hơn tốc độ 3,3% của năm 2023, nhưng nhanh hơn so với dự báo khá bi quan hồi đầu năm.

Tổ chức này cũng ước tính, nếu xung đột lan rộng ở Trung Đông, giá dầu thô sẽ tăng lên mức 100 USD/thùng, có thể khiến lạm phát toàn cầu tăng thêm hơn 0,6 điểm phần trăm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước