Nỗ lực vượt bậc để đạt được CPTPP

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 07/03/2018 19:55 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe đã trực tiếp chỉ đạo sát sao, quyết liệt đoàn đàm phán không quản ngày đêm.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được chính thức ký kết vào ngày mai (8/3) tại Santiago, Chile. Đây là hiệp định tự do thế hệ mới, được coi là sẽ có tác động toàn diện và sâu rộng nhất tới nền kinh tế Việt Nam.

CPTPP được coi là một Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất từng được thông qua trong suốt hơn 22 năm qua, kể từ thời điểm ra đời Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hiệp định này không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống như: Cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa; mở cửa thị trường dịch vụ; sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như: Lao động, môi trường, mua sắm Chính phủ hay doanh nghiệp nhà nước. Đây là những vấn đề gai góc khi đàm phán các Hiệp định thương mại tự do FTA. Hơn nữa, những nội dung này được cam kết thực thi ở chuẩn mực cao và tiến bộ hơn nhiều so với hơn 10 FTA.

Nỗ lực vượt bậc để đạt được CPTPP

Đàm phán CPTPP (trước đây là TPP) được đánh giá là cam go, gay cấn, phức tạp và đôi lúc là cân não bậc nhất trong lịch sử đàm phán các Hiệp định thương mại tự do. Để có được kết quả như bây giờ, không thể không nhắc tới vai trò to lớn của Nhật Bản và Việt Nam, nhất là sự nỗ lực của Chính phủ trong 2 năm vừa qua.

Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe đã trực tiếp chỉ đạo sát sao, quyết liệt đoàn đàm phán không quản ngày đêm. Nhiều phiên đàm phán đã diễn ra thâu đêm suốt sáng.

- Chưa có FTA nào số phận lại khó đoán định như TPP (nay là CPTPP) khi đã trải qua tới 7 năm với hơn 40 vòng đàm phán.

- Tháng 2 năm 2016, tại Auckland, New Zealand, TPP được ký kết.

- Chưa đầy 1 năm sau, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất TPP tuyên bố rút khỏi hiệp định.

- 11 quốc gia còn lại, nhất là Việt Nam và Nhật Bản quyết tâm tiến tới TPP-11.

- Riêng tuần lễ Cấp cao APEC Đà Nẵng tháng 11 năm 2017, đã có ít nhất 8 vòng đàm phán cả cấp trưởng đoàn và bộ trưởng, nhiều cuộc đàm phán kéo dài xuyên trưa, từ chiều tới nửa đêm mà chưa đạt kết quả cuối cùng.

+ Thủ tướng Canada không tới dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo TPP.

- Trong khó khăn, hiệp định đã chứng kiến nỗ lực và quyết tâm chưa từng có của hai đồng chủ trì đàm phán là Nhật Bản và Việt Nam dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng hai nước. Kết thúc Tuần lễ cấp cao APEC 2017, CPTPP đã được các bên thống nhất cao.

- Và sau cuộc họp tháng 1 vừa qua tại Nhật Bản, tất cả 11 nước đã nhất trí ký kết CPTPP tại Chile.

Việt Nam chúng ta được đánh giá là một trong những nước sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP, từ cải cách thể chế đến thương mại, đầu tư và từ đó tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập tốt hơn cho người lao động và cuối cùng là cuộc sống của người dân sẽ được hưởng lợi ngày càng nhiều trong hiệp định CPTPP.

Cụ thể, khi CPTPP đi vào thực thi, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận một sân chơi mới gần 500 triệu dân với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu bởi khi đó, gần như toàn bộ thuế xuất nhập khẩu được xóa bỏ theo lộ trình, đi kèm với đó là tự do hóa về dịch vụ và đầu tư. Nói một cách đơn giản hơn là hàng hóa, dịch vụ của chúng ta sẽ được bán ở thị trường của 10 nước thành viên một cách dễ dàng hơn, còn người tiêu dùng trong nước sẽ được hưởng nhiều hàng hóa tốt hơn với giá cả hợp lý.

Về tăng trưởng GDP, theo Ngân hàng Thế giới, khi CPTPP có hiệu lực, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 1,1% sau hơn 10 năm, thậm chí sẽ còn cao hơn nếu năng suất lao động được cải thiện, còn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng được dự báo sẽ có sự tăng trưởng đột biến, vượt xa con số kỷ lục 36 tỷ USD năm 2017 vừa qua.

Để có thêm những đánh giá, nhất là về lợi ích mà CPTPP mang lại cho Việt Nam cũng như những cam kết liên quan tới lao động - một nội dung rất quan trọng trong CPTPP, trước khi lên đường sang Chile ký kết hiệp định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã dành cho Đài Truyền hình Việt Nam một cuộc phỏng vấn. Mời quý độc giả cùng theo dõi trong video dưới đây:

Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời về CPTPP.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước