Các thương vụ này mang lại lợi ích cho cả bên mua và bên bán, đặc biệt là đối với các dự án gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, theo chia sẻ của các chủ đầu tư, để việc mua bán và sáp nhập được thành công là việc không dễ dàng.
Dự án Khu nghỉ dưỡng spa Cây Bồ Đề tại Sơn Tây, Hà Nội vốn được đánh giá nhiều tiềm năng, vì có phong cảnh đẹp, nguyên sơ. Tuy nhiên, suốt 10 năm qua, dự án chưa thể triển khai được.
Mới đây, Tập đoàn Trường Tiền đã ký hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Đồng Mô với hình thức mua lại 63,5% cổ phần để tiếp tục triển khai dự án. Để thương vụ thành công, 2 bên phải mất rất nhiều thời gian để thương thảo.
Đây chỉ là một trong rất nhiều thương vụ M&A trên thị trường bất động sản thời gian qua. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,35 tỷ USD, tăng 39% cùng kỳ năm trước.
Các doanh nghiệp cũng cho biết, tuy nhu cầu M&A trên thị trường lớn và là cứu cánh đối với nhiều dự án bị chết lâm sàng nhiều năm nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là thời gian tiến hành thủ tục dài, trung bình mất từ 2-3 năm.
Chế tài cho M&A chưa rõ ràng, nằm rải rác ở Luật Doanh nghiệp, Luật đất đai; doanh nghiệp phải dựa vào để lựa cho phù hợp.
Nhiều dự án nằm ở vị trí vàng do khó khăn về vốn đã bị đình trệ suốt thời gian dài. Sự xuất hiện của các nhà đầu tư mới được coi là cứu cánh hồi sinh dự án. Theo các chuyên gia, nếu được gỡ vướng về mặt pháp lý, các thương vụ mua bán sáp nhật bất động sản sẽ còn tăng cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!