Sau nhiều chờ đợi, chỉ tiêu tín dụng năm nay (room tín dụng) đã chính thức được tăng thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Khoảng 240 nghìn tỷ đồng là số dư tiền dự kiến tăng thêm cho nền kinh tế. Đây là một thông tin gây chú ý vì trước đó dù có nhiều đề nghị, song Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định tăng trưởng tín dụng không quá 14% để kiểm soát lạm phát.
Thời gian qua cơ quan điều hành chỉ nới room cho 4 ngân hàng lớn nhất và một số ngân hàng tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém.
Tập trung tín dụng cho sản xuất, kinh doanh
Trong thông báo về việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước phát đi đã nêu rõ các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Thực tế hiện nay, lãi suất huy động tăng cao, tức là chi phí vốn ngân hàng phải bỏ ra tăng cao nên việc ổn định hay kéo giảm lãi suất cho vay ra là một thách thức.
Mặt bằng lãi suất cao cũng là thực tế chung tại hầu hết các nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh biến động tỷ giá, lạm phát toàn cầu. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 6 lần trong năm nay, đưa lãi suất hiện lên mức cao gấp đôi so với trước dịch.
Còn tại Việt Nam, sau 2 lần Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, mỗi lần 1%/năm đã nâng lãi suất về mức tương đương giai đoạn trước dịch COVID-19. Để có thể kéo giảm lãi suất cho vay, tăng sức cạnh tranh là một bài toán cân não với các ngân hàng.
Các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Ảnh minh họa.
Toàn bộ khách hàng thuộc nhóm sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, hoạt động nông nghiệp, môi trường… của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam vừa chính thức được giảm 1% lãi suất vay vốn trong những tháng cuối năm. Tính chung, quy mô dư nợ được giảm lãi suất ước lên tới 500 nghìn tỷ đồng, bằng gần một nửa danh mục tín dụng của ngân hàng.
Tốc độ tăng lãi suất huy động đang được nhiều ngân hàng đẩy nhanh hơn lãi suất cho vay. Cụ thể, lãi suất huy động trên 6 tháng đã tăng khoảng 3,5 - 4%/năm so với cuối năm ngoái. Trong khi lãi suất cho vay chỉ tăng thêm từ 1 - 3%/năm tùy trường hợp. Do vậy dư địa để giảm hoặc giữ lãi suất cho vay là không quá rộng rãi.
Việc mở rộng tín dụng sẽ phải đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Do đó sẽ cần có giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua các kênh.
Trong quyết định nới room Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh thông điệp: Trong trường hợp cần thiết hỗ trợ với kỳ hạn dài hơn, kể cả kéo dài thời hạn qua Tết để các tổ chức tín dụng yên tâm hơn khi cấp tín dụng. Đây là những giải pháp linh hoạt trong tình hình hiện nay.
Việc mở rộng tín dụng sẽ phải đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa.
Room tín dụng là một công cụ được áp dụng tại thị trường Việt Nam từ năm 2011, khi ấy tỷ lệ lạm phát ở mức trên 18%. Đây cũng là mức cao nhất so với các nước trong khu vực ASEAN thời điểm đó. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước buộc phải khống chế một giới hạn tăng trưởng nhất định cho mỗi năm để hạn chế tình trạng này.
Tuy nhiên, lạm phát thời điểm này chỉ chưa tới 4%, không bằng 1/4 khi đó. Vậy vì sao vẫn giữ room tín dụng như một công cụ điều hành? Vì sao phải đến thời điểm này mới nới room tín dụng? Về mức nới là 1,5 - 2%, tại sao không nhiều hơn, không ít hơn? Việc mở rộng tín dụng vào thời điểm này liệu có gây áp lực lên thanh khoản khi mà Tết đến gần, nhu cầu rút tiền của người dân và doanh nghiệp sẽ tăng cao?
Xung quanh các vấn đề trên, chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia của TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đã phần nào giải đáp!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!