Nông nghiệp Việt Nam 2013 chịu nhiều áp lực

Anh Thư-Thứ sáu, ngày 05/04/2013 07:00 GMT+7

Ảnh minh họa

 Thực tế đã chứng minh, trong bất cứ giai đoạn khó khăn nào, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, năm 2013 sẽ là một năm đầy khó khăn với nền nông nghiệp Việt Nam.

Đó là nhận định chung được đưa ra tại Hội nghị triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2013 vừa diễn ra hôm 4/4 tại Hà Nội, sự kiện thường niên do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức nhằm đưa ra các kịch bản về nông nghiệp, đặc biệt là thị trường nông sản. Bốn lĩnh vực được tập trung bàn thảo là chăn nuôi, thủy sản, lúa gạo và phát triển nông thôn.

Những ý kiến tại hội nghị đã chỉ ra kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế mở nhất thế giới. Sau khi gia nhập WTO, với các tồn tại như cơ cấu, chất lượng tăng trưởng và bất ổn kinh tế vĩ mô… Việt Nam trở thành thị trường có sức chống đỡ yếu. Các chuyên gia đánh giá, năm 2013 tiếp tục là một năm khó khăn. Trong ngành nông nghiệp thì lúa gạo, thủy sản và chăn nuôi là ba lĩnh vực giảm sút mạnh.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năm 2013, thương mại gạo thế giới sẽ giảm 4% so với năm ngoái. Năm nay, một số quốc gia sẽ tung một lượng gạo dự trữ lớn ra thị trường nên dự báo Việt Nam và Ấn Độ sẽ phải giảm lượng gạo xuất khẩu. Trong tình hình đó, việc Việt Nam giảm giá xuất khẩu gạo được cộng đồng quốc tế cho là đúng hướng.

Ông Subramanian, Tổng biên tập tạp chí Rice Trader đánh giá: “Giá gạo Việt Nam đã không bị bóp méo bởi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Năm nay, với lợi thế giá rẻ, Việt Nam sẽ tăng được lượng xuất khẩu và có cơ hội mở rộng thị trường gạo cấp thấp. Trung Quốc là một thị trường lớn, Indonesia sắp bầu cử nên rất cần gạo dự trữ, Philippines vẫn còn cơ hội và đặc biệt là thị trường châu Phi. Bên cạnh đó, gạo cao cấp, gạo thơm vẫn tiếp tục tăng ở thị trường Nhật”.

Điều chỉnh chính sách là một vấn đề được tập trung bàn thảo, như chính sách hạn điền, chỉ định đất lúa, chính sách hỗ trợ vốn mua máy móc... Bên cạnh đó, chính sách thu mua tạm trữ cũng cần thay đổi cách thực hiện.

Ba tháng đầu năm, với tốc độ tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp đạt 2,24%, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ ba năm gần đây. Dự báo những tháng tới, giá các loại nông sản đều không thể tăng hơn năm ngoái. Riêng ngành thủy sản, con tôm đã phải đối mặt với ba vụ kiện quốc tế, cá tra thì vấp phải thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ... Vì vậy, giảm số lượng và nâng cao chất lượng đang được coi là yêu cầu được đặt ra với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước