Tại Thừa Thiên Huế, bà con nông dân đã xây dựng thương hiệu và mở rộng tiêu thụ trên các nền tảng số. Mỗi buổi livestream thu hút hàng trăm lượt theo dõi và bán được nhiều sản phẩm.
Tại buổi livestream quảng bá và bán sản phẩm ổi Vietgap diễn ra ngay tại vườn ổi của bà con ở phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, với mục đích giúp bà con kết nối và tiêu thụ ổi, buổi livestream được các đoàn viên thanh niên huyện Hương Trà thực hiện trên 3 trang mạng: Ổi VietGap Hương Xuân, Đoàn thanh niên Hương Trà và Cổng Thông tin phường hương Xuân. Buổi livestream mới bắt đầu nhưng đã thu hút hàng trăm lượt khách hàng theo dõi và tương tác. Sản phẩm bán ra cũng rất nhiều.
Ông Lê Văn Ánh tại phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế cho biết: "Mỗi sào được 2 tấn. Nếu ổi được 7 nghìn thì được khoảng 15 triệu. Qua buổi livestream hôm nay, lợi nhuận cao hơn. Đầu ra của mình được tiêu thụ bên ngoài mạnh hơn thì thành công nhiều hơn".
Từ năm 2021, dự án Hoàn thiện sản phẩm ổi VietGap Hương Xuân, Thừa Thiên Huế có sự tham gia của 29 hộ dân trên diện tích 5 ha. Tham gia dự án, bà con nông dân chăm sóc cây ổi theo tiêu chuẩn VietGap, tiến hành xây dựng thương hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc và đăng ký sản phẩm OCOP 3 sao. Bên cạnh đó, người dân còn được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số.
Ông Nguyễn Thanh Hoài - Bí thư Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế - cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm. Thứ hai là hỗ trợ xây dựng qui mô sản phẩm OCOP, thứ ba là làm thế nào có thêm nhiều sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, trong đó có kênh bán hàng điện tử, tập trung vào các sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp hay các sản phẩm chủ lực của Thừa Thiên Huế. Làm như thế nào để thanh niên Thừa Thiên Huế có thể tiếp tục nâng cao hoạt động là khởi nghiệp và lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương".
Ông Trần Viết Xuân - Phó Chủ tịch UBND phường Hương Xuân, TP. Huế, Thừa Thiên Huế - cho rằng: "Đã làm rồi thì tiếp tục làm tốt hơn, đặc biệt là phối hợp với các ngành tiếp tục hướng dẫn cho địa phương, tổ hợp tác và hộ nông dân trang bị các kỹ năng tốt hơn về bán hàng online qua nền tảng số, từ chỗ đó, hàng hóa được bà con trong và ngoài địa phương được tiêu thụ và tin tưởng ngày càng tốt hơn".
Sau các buổi livestream, khách hàng vẫn có thể tiếp tục đặt mua hàng qua các trang fanpage và trang bán hàng trực tuyến. Lợi ích của việc ứng dụng công nghệ vào tiêu thụ sản phẩm đã được thấy rõ và đang trở thành động lực để bà con học hỏi nhân rộng trong thời gian đến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!