Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất tiếp tục tăng hơn 45% trong quý I/2020. Trong đó, các mặt hàng nông sản, vốn được xem là ưu tiên xuất khẩu của Việt Nam, đều đạt mức tăng trưởng khá. Đây là tín hiệu vui cho nông sản Việt Nam.
Đặc biệt, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất còn được xem là thị trường cửa ngõ của vùng Vịnh và cả Trung Đông. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan, vẫn còn đó nhiều câu hỏi trong bài toán cạnh tranh của nông sản Việt tại vùng Vịnh?
Nhiều loại quả Việt Nam loại quả trước là xa lạ tại vùng Vịnh, nay đang ngày càng được ưa chuộng. Ảnh minh họa - VGP.
Tại một siêu thị thuộc chuỗi phân phối rau quả, thực phẩm Kibson (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất), không khó để bắt gặp những nông sản Việt Nam tại đây. Dừa, chôm chôm, thanh long hay chanh không hạt... nhiều loại quả trước là xa lạ tại vùng Vịnh, nay đang ngày càng được ưa chuộng.
"Chúng tôi thường xuyên tiến hành khảo sát nhu cầu của khách hàng và nhận rằng ngày càng nhiều người tìm tới các loại quả mới lạ từ châu Á, như của Thái Lan, Malaysia hay từ Việt Nam", ông Jonathan Bergstrom - công ty Kibson International, Dubai nói.
Vùng Vịnh - mảnh đất sa mạc, nông sản hầu hết là phải nhập khẩu, nay nhu cầu với các trái cây nhiệt đới lại gia tăng. Tuy nhiên, nếu nhìn trên các kệ siêu thị, hoa quả Việt vẫn chỉ chiếm phần nhỏ, so với hoa quả từ Thái Lan, Philippines hay Malaysia. Thách thức cạnh tranh được cho không đơn thuần đến từ giá cả hay chất lượng.
Ông Kirti Maghani - Giám đốc bộ phận Bán lẻ, Siêu thị Choithrams cho hay: "Chúng tôi nhập khẩu khá nhiều nông sản từ Thái Lan. Bắt nguồn từ việc họ đã phát triển được rất tốt hình ảnh ẩm thực Thái. Nó tạo giá trị lan tỏa cho thương hiệu nông sản của họ. Các nhà xuất khẩu cũng rất năng tới đây để tìm hiểu thị trường. Một hành trình tương tự cũng nên được thực hiện bởi các doanh nghiệp Việt Nam".
Nông sản Việt tại vùng Vịnh được ưa chộng nhưng "lép vế" tại các siêu thị.
Nông sản Việt Nam tại vùng Vịnh hiện chủ yếu chỉ cạnh tranh về giá, xuất khẩu sản phẩm thô. Khâu đóng gói bao bì lại hầu như bị bỏ qua, phó mặc cho các nhà nhập khẩu. Kết quả là như gạo chẳng hạn, gạo Việt Nam xuất khẩu vào Dubai hiện phải đóng chung bao bì với gạo Thái Lan và một số nước khác. Người tiêu dùng có ăn gạo Việt Nam, cũng hầu hết chẳng có ý niệm gì về hình ảnh hạt gạo Việt Nam.
"Các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu rõ các quy định liên quan đến bao bì, logo hay dán nhãn bằng tiếng Arab. Tôi không nghĩ tất cả các nhà xuất khẩu Việt Nam đã hiểu rõ được hết các vấn đề đó", ông Kirti Maghani nói.
Trong lúc các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn tại Dubai cũng như nhiều thị trường Trung Đông, một số doanh nghiệp Thái Lan đã phát triển một thương hiệu được chào đón tại khu vực này có tên là Vietnamese Choice. Rõ ràng nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm Việt Nam sẽ không biết chờ cho tới khi các doanh nghiệp Việt thực sự có một chiến lược đúng đắn để khai phá nó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!