Ô tô Trung Quốc "đổ bộ" vào ASEAN, thị trường Việt Nam có thể gay gắt nhất

Theo Dân trí-Thứ tư, ngày 09/06/2021 12:34 GMT+7

VTV.vn - Không còn nhập thử nghiệm thăm dò, nhiều hãng xe Trung Quốc đã ồ ạt vào thị trường các nước Đông Nam Á, trong đó thị trường Việt Nam có thể là nơi cạnh tranh gay gắt nhất.

Xe Trung Quốc cấp tập vào Đông Nam Á

Sau hàng chục năm phát triển, lột xác từ những thương hiệu nhái, kém chất lượng, giờ đây xe hơi Trung Quốc đang trở thành thế lực lớn ở châu Á và thế giới.

Ô tô Trung Quốc đổ bộ vào ASEAN, thị trường Việt Nam có thể gay gắt nhất - Ảnh 1.

Mẫu xe nội địa "hot" nhất Trung Quốc sắp có mặt tại Thái Lan. Đây có thể là bàn đạp để xe hơi nước này "tấn công" thị trường các nước ASEAN khác (Ảnh minh họa).

Theo Hiệp hội ô tô thế giới (OICA), năm 2019, Trung Quốc sản xuất gần 26 triệu chiếc xe hơi - nhiều nhất thế giới, trong đó hơn 21,3 triệu chiếc là xe du lịch. Năm 2020, dù đại dịch song ngành công nghiệp xe hơi nước này cũng sản xuất hơn 25,2 triệu chiếc.

Mức tiêu thụ xe hơi của quốc gia tỷ dân cũng đạt kỷ lục. Năm 2019, người dân Trung Quốc mua gần 26 triệu chiếc ô tô, trong đó có hơn 1,2 triệu chiếc xe ô tô điện. Điều này cho thấy Trung Quốc có cả sản lượng thực tế và một thị trường đủ lớn để các hãng xe nước ngoài ham muốn và cũng là thị trường để các hãng xe nội địa đủ sức "thi thố", trưởng thành.

Sau gần nửa thế kỷ phát triển, từ chỗ không có một hãng xe nội địa lớn nào, ngày nay Trung Quốc đã xây dựng được một số thương hiệu xe lớn, đứng đầu phải kể là Great Wall Motors, SAIC, BYD, Li Auto, Xpeng Motors, Byton... Các hãng xe này đã và đang sản xuất xe động cơ đốt trong và cả xe điện.

Trong vòng 3-5 năm trở lại đây, xe Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Đông Nam Á - vùng trũng của xe hơi thế giới - bằng hàng loạt thương vụ hợp tác mua bán sáp nhập, đầu tư trực tiếp hoặc mua đứt cơ sở kinh doanh.

Đáng nói nhất phải kể đến thương vụ hãng xe Geely (Zhejiang Geely Holding) mua lại 49% cổ phần của hãng xe Proton - hãng xe niềm tự hào của người Malaysia và ra mắt hàng loạt mẫu xe du lịch tại quốc gia này để bán sang các nước trong khối.

Ngoài sáp nhập, họ còn tích cực đầu tư sang Thái Lan, Indonesia. Ví dụ như tại Thái Lan, SAIC - hãng xe nội địa hàng đầu Trung Quốc đã hợp tác với một doanh nghiệp Thái để lập liên doanh từ năm 2016 và cho công suất sản xuất xe lên đến hơn 200.000 chiếc/năm.

Hiện thành quả của hợp tác này là mẫu MG - mẫu xe Anh thuộc sở hữu của SAIC đã được nhập từ Thái Lan vào Việt Nam, mức giá xe này không quá 800 triệu đồng và là dòng cạnh tranh trực tiếp với Tucson và Mazda CX5 tại Việt Nam.

Tại Indonesia, SAIC cũng kết hợp với GM để đầu tư lắp ráp nhà máy tại xứ vạn đảo. Các sản phẩm MG giá rẻ cũng được ra đời tại nước này và bán sang Malaysia, Philippines.

Đáng nói hơn, đầu năm 2021, hãng xe Great Wall Motors - chủ quản của mẫu xe chiến lược Trung Quốc là Haval - cũng vừa mua lại nhà máy của General Motors tại Thái Lan. Theo thông tin, sắp tới đây Trung Quốc sẽ đưa nhà máy 700 triệu USD này vào hoạt động sản xuất, lắp ráp để xuất khẩu Haval ra toàn Đông Nam Á nhằm tận dụng lợi thế bỏ thuế nhập khẩu.

Ô tô Trung Quốc đổ bộ vào ASEAN, thị trường Việt Nam có thể gay gắt nhất - Ảnh 2.

Mẫu xe nội Trung Quốc Haval H6 còn được xuất khẩu đi ra châu Âu, Trung Đông (Ảnh minh họa).

Được biết, mẫu Haval H6 được coi là một trong những niềm tự hào của ngành xe hơi nội địa Trung Quốc khi có doanh số cao nhất trong nhóm xe nội địa, thậm chí luôn lọt top đầu (trong đó có cả xe Đức, Mỹ, Nhật) các mẫu xe bán chạy nhất tại Trung Quốc.

Bình quân, mẫu xe này có doanh số từ 30.000-50.000 chiếc/tháng, tương đương từ 300.000-600.000 chiếc/năm, con số bằng tổng lượng xe bán ra tại Việt Nam.

Sau MG, Haval có thể là cơn "ác mộng" đối với các hãng xe tại Việt Nam

Tại Malaysia và Indonesia, các mẫu SUV cỡ nhỏ Haval H1 và H2 có giá bán ra chỉ khoảng 56.000-90.000 Ringgit (tương đương với mức giá từ 315 triệu đồng đến gần 500 triệu đồng).

Trong khi đó, mẫu SUV cỡ lớn như Haval H6 được bán tại Trung Quốc chỉ khoảng 122.000-141.000 Nhân dân tệ (tương đương 17.500-20.000 USD/chiếc), tức khoảng 400 triệu đồng/chiếc đến gần 500 triệu đồng/chiếc).

Ô tô Trung Quốc đổ bộ vào ASEAN, thị trường Việt Nam có thể gay gắt nhất - Ảnh 3.

Các hãng xe, mẫu xe Trung Quốc ồ ạt xâm nhập vào Việt Nam, cuộc cạnh tranh sắp tới sẽ rất gay gắt (Ảnh minh họa)

Tại Thái Lan, các mẫu H6 được lắp ráp hai phiên bản động cơ đốt trong và xe hybrid, mức giá có thể sẽ tương đương như bản bán ra tại Trung Quốc bởi linh kiện xe tại Thái Lan hiện khá rẻ.

Thực tế, so với Beijing X7 của Baic - mẫu xe Trung Quốc gây sốt tại Việt Nam thời gian qua, doanh số bán ra Haval H6 quả là "một trời" so với "một vực". Bởi thực tế dù sốt tại Việt Nam, nhưng theo thống kê doanh số bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), Beijing X7 là mẫu xe "ế" tại nước này, mẫu xe không lọt vào top 60 mẫu xe bán chạy nhất tại Trung Quốc.

Với mức giá rẻ, cộng thêm việc bỏ thuế nhập vào Việt Nam do được sản xuất, lắp ráp tại Thái Lan, dự báo các mẫu xe của Haval mà Great Wall Motors sắp tới có thể khiến thị trường xe tại Việt Nam nóng bỏng hơn, áp lực cạnh tranh quyết liệt, thậm chí là "ác mộng" đối với các hãng xe tại Việt Nam nếu không cải thiện được sức cạnh tranh, giảm giá bán, bảo vệ khách hàng của mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước