Theo đó, kinh tế thế giới đang ở trong tình trạng bấp bênh và hướng tới một sự tăng trưởng chậm lại đáng kể vào cuối năm nay, khi việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương đã bắt đầu cho thấy những tác động.
Báo cáo Triển vọng kinh tế mới nhất của OECD dự báo, tăng trưởng GDP của nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ đạt 2,7% trong năm nay và 2,9% vào năm 2024. Cả hai con số này đều dưới mức trung bình 3,4% trong 7 năm trước đại dịch.
"Với Mỹ, GDP thực tế được dự đoán sẽ tăng 1,6% vào năm nay và 1% vào năm 2024. Tăng trưởng trong đầu tư tiêu dùng cá nhân dự kiến sẽ ở mức vừa phải để đáp ứng với các điều kiện tài chính và tiền tệ thắt chặt. Chúng tôi dự báo Mỹ sẽ chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao.
Còn tại châu Âu, các nền kinh tế lớn đã bị ảnh hưởng mạnh bởi xung đột tại Ukraine. Tại khu vực đồng Euro, tăng trưởng GDP được dự đoán là 0,9% trong năm nay và dự kiến sẽ tăng lên 1,5% vào năm 2024, nhờ thu nhập thực tế tăng lên khi lạm phát giảm bớt", bà Clare Lombardelli, Nhà kinh tế trưởng, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cho biết.
OECD dự báo, tăng trưởng GDP của nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ đạt 2,7% trong năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)
Theo OECD, lạm phát cơ bản, không bao gồm giá lương thực và năng lượng, đang cao hơn dự báo trước đây. Điều này có thể buộc các ngân hàng trung ương, vốn đã tiến hành nhiều đợt tăng lãi suất nhằm "ghìm cương" lạm phát, có thể phải duy trì biện pháp này. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia đều đang ghi nhận thâm hụt ngân sách và nợ công cao hơn so với thời kỳ trước đại dịch COVID-19.
Với các điều kiện tín dụng toàn cầu ngày càng hạn chế, OECD nhận định cứ 4 thị trường mới nổi thì có 1 thị trường đã mất khả năng tiếp cận thị trường trái phiếu quốc tế. Các chuyên gia cho rằng cần phải cải cách nền tài chính toàn cầu, giảm gánh nặng nợ cho các nước đang phát triển và thị trường mới nổi.
"Cộng đồng quốc tế cần thực hiện các bước khẩn cấp theo các thỏa thuận hiện tại để giảm bớt gánh nặng cho các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Tôi đã đề xuất một Gói kích thích vì mục tiêu phát triển bền vững để đạt được điều này. Nhưng ngoài các biện pháp khẩn cấp, chúng ta cần một phản ứng mang tính cấu trúc. Cộng đồng quốc tế phải cải cách cấu trúc tài chính quốc tế để khiến nó linh hoạt, công bằng và có thể tiếp cận được với tất cả mọi người", Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhấn mạnh.
Sự chú ý lớn nhất sẽ tập trung vào cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong tuần tới. Các dự báo hiện đang nghiêng về khả năng FED sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong tháng 6 này, nhưng rất có thể sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong tháng 7.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!