Phải chăng Việt Nam đang quá dễ dãi với ngành bia rượu?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 22/07/2016 11:28 GMT+7

VTV.vn - Các tác động xấu từ việc lạm dụng bia rượu không phải là chủ đề quá mới song việc thiệt hại đến 92.000 tỉ đồng/năm vì tai nạn giao thông do bia rượu thực sự đã gây sốc.

Theo thống kê mới được công bố, trung bình mỗi ngày tại Việt Nam có 250 tỉ đồng “bay hơi” vì tai nạn giao thông do bia rượu, tương đương hơn 92 nghìn tỉ đồng/năm và 2,9% GDP. Dù những tác động xấu từ việc lạm dụng bia rượu không phải là chủ đề quá mới song các con số lớn ngoài sức tưởng tượng kể trên đã khiến nhiều người phải choáng váng.

Tác động tiêu cực là thế, song thời gian qua không ít các cơ quan truyền thông lại ghi nhận thành quả đóng góp hàng chục nghìn tỉ đồng cho ngân sách, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước của ngành rượu bia.

Song theo ý kiến của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long trên tờ Nhân dân, dù bia rượu có đóng góp khủng cho ngân sách nhưng không đem lại hiệu quả thiết thực cho kinh tế.

Cụ thể, dù sản xuất và tiêu thụ bia rượu vào hàng đầu thế giới nhưng nghịch lý là Việt Nam lại không có tiếng tăm gì trên thị trường quốc tế. Các nước nổi tiếng về bia như Đức, Bỉ, Hà Lan… dành lượng lớn để xuất khẩu, trong khi bia Việt Nam sản xuất ra chỉ tập trung phục vụ cho nhu cầu trong nước.

Phải chăng Việt Nam đang quá dễ dãi với ngành bia rượu
Phải chăng Việt Nam đang quá "dễ dãi" với ngành bia rượu

Việc sử dụng nhiều bia rượu cũng được đánh giá là một trong các lý do khiến năng suất lao động ở nước ta ngày càng yếu thế, ngay cả so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiều theo tờ Người lao động, nhiều người sẽ cảm thấy sốc hơn nữa khi nghe về quy hoạch phát triển ngành bia - rượu - nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 đã được phê duyệt. Theo đó, từ năm 2010, sản lượng bia đạt 2,5 tỉ lít/năm, từ năm 2015 đạt 4 tỉ lít/năm và từ năm 2025 đạt 6 tỉ lít/năm.

Nhằm hạn chế cho tình trạng lạm dụng bia rượu ngày một đáng báo động tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến nghị mức thuế 65% cho bia rượu hiện nay là thấp, cần tăng lên 100%. Ngoài chính sách thuế, Nhà nước cần những giải pháp đồng bộ khác như cấm bán bia rượu cho trẻ em, muốn bán phải có giấy phép, thậm chí nghiên cứu hình thức phạt tù với lái xe có nồng độ cồn cao hơn 80mg/100ml máu như đang áp dụng tại nhiều quốc gia...

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước