Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh

Thúy Lan-Thứ tư, ngày 16/11/2022 14:27 GMT+7

VTV.vn - Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến xây dựng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm phát thải khí nhà kính.

Nâng cao thu nhập người trồng lúa, tổ chức sản xuất lúa gạo bám sát vào thị trường để xác định quy mô, tiêu chuẩn. Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh bền vững, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu… là nội dung thảo luận quan trọng vừa được các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra trong Hội nghị lấy ý kiến xây dựng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm phát thải khí nhà kính do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. 

Hội nghị quy tục hầu hết chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam và đại diện các tổ chức Quốc tế.

Theo chuyên gia tại hội nghị, quy mô sản xuất lúa hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nếu có 3 ha người nông dân chỉ hòa vốn, 10 ha trở lên mới có lãi. Do đó, ngay khi xây dựng đề án cần nhấn mạnh đến quy mô sản xuất lớn, áp dụng cơ giới hoá để tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh - Ảnh 1.

Những vùng lúa chất lượng cao sẽ phải áp dụng các quy trình canh tác bền vững hơn, sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân bón hóa học... (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Chúng ta phải nhấn mạnh đến việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, thậm chí một số khâu phải tự động hóa. Trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam, có lẽ lúa gạo sẽ là ngành đầu tiên có thể thực hiện được", TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.

Hiện mới có khoảng 10% diện tích lúa trên cả nước là có liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, để tạo nên sự khác biệt 1 triệu ha lúa chất lượng cao phải nâng con số kia lên 100%.

Hầu hết các chuyên gia trong hội nghị đều đồng ý quan điểm, những vùng lúa chất lượng cao sẽ phải áp dụng các quy trình canh tác bền vững hơn, sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giống…, góp phần vào thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ.

"Chúng ta phải làm lúa chất lượng cao, phải tiết kiệm... nhưng phải đặt trọng tâm trong 5 năm tới, ngoài buôn bán lúa gạo thì đó là buôn bán carbon cũng là đóng góp chung cho Chính phủ", ông Cao Thanh Bình, chuyên gia nông nghiệp cao cấp Ngân hàng Thế giới, nhận định.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp lúa gạo, các hợp tác xã, trang trại để xác định diện tích triển khai cụ thể, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL tham gia thực hiện đề án.

Vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao phải đảm bảo tính bền vững Vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao phải đảm bảo tính bền vững

VTV.vn - Vùng lúa chất lượng cao phải đảm bảo quy trình phát triển bền vững, nhất là trong sử dụng nguyên liệu đầu vào, theo hướng giảm phân hóa học, thuốc BVTV...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước