5 năm qua, lượng du khách đến Bình Thuận vẫn tăng ổn định 10%/năm. Doanh thu du lịch tăng trưởng 18%/ năm.
Dự kiến đến năm 2030, Bình Thuận sẽ thu hút được hơn 17 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 78.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, những con số này sẽ không dừng ở đó khi Mũi né, Phan thiết Bình thuận vừa được công nhận là khu du lịch quốc gia.
Tỉnh Bình Thuận nằm ở vùng duyên hải miền Nam Trung Bộ, với lợi thế biển xanh, cát trắng, nắng vàng, khí hậu ổn định quanh năm, đã trở thành điểm đến du lịch được mệnh danh là "thủ đô resort" từ năm 1995. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, khu vực này dần kém cạnh tranh so với các tỉnh, thành khác khi chưa có thêm những đầu tư xứng tầm.
Bình Thuận tìm kiếm mô hình quản lý du lịch hiệu quả
Hàng trăm khu du lịch, nghỉ dưỡng đã tồn tại hàng chục năm qua tại Bình Thuận, tuy nhiên việc khai thác sử dụng đang dần kém hiệu quả, kém hấp dẫn với du khách. Việc thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc, thậm chí là thiếu quy hoạch tổng thể cho ngành du lịch phát triển hơn là những thách thức đang đặt ra đối với chính quyền Mũi Né, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới, sau khi đã được quy hoạch, chứng nhận là khu du lịch quốc gia.
Những khu resort đã lên tới hàng chục năm tuổi, những bãi biển còn hoang sơ, trượt đồi cát, lướt ván, dù lượn..., bao năm qua, ngành du lịch Bình Thuận vẫn chỉ như thế, du khách vẫn đến nhưng giá trị gia tăng từ du lịch không nhiều. Lãnh đạo tỉnh cũng thừa nhận, việc phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch chưa phong phú.
Việc thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc là thách thức đang đặt ra đối với chính quyền Mũi Né, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: PLO)
Sau khi được công nhận là khu du lịch quốc gia, Mũi Né, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã trở thành 1 trong 6 điểm đến du lịch quốc gia của Việt Nam.
Tuy nhiên, đây chỉ là xác định về mặt thương hiệu, khẳng định vị thế so với các điểm đến còn lại, hiện vẫn chưa có một chính sách riêng nào cho khu du lịch quốc gia.
Do đó, theo các chuyên gia, tùy thuộc vào vị trí, quy mô, khả năng phát triển, lãnh đạo địa phương phải là người kiến tạo các mô hình quản lý, giúp du lịch địa phương phát triển.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện đã thuê đơn vị tư vấn quốc tế thực hiện việc quy hoạch lại khu du lịch. Các vấn để về tái tạo tài nguyên thiên nhiên, tăng chi đầu tư hạ tầng sẽ được tỉnh chú trọng. Dự kiến, 2 năm tới, cao tốc nối Dầu Giây - Phan Thiết sẽ được hoàn thành. Sân bay Phan Thiết cũng đang được tái khởi động. Đây sẽ là cú huých cho ngành du lịch của Bình Thuận trong thời gian tới.
Đẩy mạnh nguồn lực tư nhân trong phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận
Hiện nay tại Phan Thiết, Bình Thuận, không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh những đại công trường dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang thi công rầm rộ tại đây.
Theo số liệu thống kê của tỉnh Bình Thuận, đến nay tỉnh này đã thu hút được 195 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, với trị giá lên tới gần 2 tỷ USD. Có thể nói, thu hút đầu tư tư nhân, thu hút những con sếu đầu đàn cho ngành này đang và sẽ đóng vai trò trọng yếu trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận thời gian tới.
Các chuyên gia cho rằng, việc thu hút đầu tư tư nhân nhằm tập hợp sức mạnh trí tuệ và sức sáng tạo từ nhiều phía để tạo cho Bình Thuận những sản phẩm du lịch mới, có những nét đặc thù, sức hấp dẫn riêng cho địa phương.
"Chính quyền không cần phải đi làm việc đó, chính quyền không đủ kỹ năng, không đủ kiến thức và không ở vị trí để có thể đi nghĩ thay cho thị trường. Ngược lại, chính quyền cần kiến tạo, thúc đẩy, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tư nhân tham gia vào", Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, chia sẻ.
Một khu nghỉ dưỡng tại Phan Thiết. (Ảnh: PLO)
Theo đại diện Tổng cục Du lịch, đây là vấn để bức thiết bởi việc thiếu các sản phẩm đặc thù đã làm giảm sức cạnh tranh của Bình Thuận với các thị trường khác như Nha Trang, Phú Quốc…
"Cần có các chính sách để phát triển các sản phẩm đặc thù, tạo ra sự khác biệt với địa phương khác, kết hợp với nền văn hóa đặc sắc ở đây, để biến tiềm năng du lịch đó thành sản phẩm độc đáo có sức cạnh tranh, hấp dẫn đối với địa phương", ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định.
Thực tế, đây là điều các nhà đầu tư cũng nhìn thấy, do đó, trong chiến lược phát triển tại tỉnh này, nhiều nhà đầu tư đã đưa ra những sản phẩm mới lạ so với các thị trường khác.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho biết tỉnh sẽ có những chiến dịch thu hút đầu tư bằng các cơ chế ưu đãi, hấp dẫn, ví dụ như: giảm giá đất, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, giảm một nửa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc để giúp các dự án đầu tư tại đây đi vào hoạt động sớm hơn dự kiến.
Nhiều chuyên gia ví Bình Thuận như một viên ngọc thô, rất cần những nhà kim hoàn, là những nhà đầu tư lớn đến đây để mài giũa, giúp viên ngọc này trở nên sáng bóng hơn. Với các chính sách ưu đãi, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030, nơi đây sẽ trở thành điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!