Trà Vinh phát triển 28.000 ha trồng dừa
Dừa là cây trồng chủ lực tại tỉnh Trà Vinh. Mỗi năm, các sản phẩm từ dừa đóng góp khoảng 10% giá trị sản xuất của ngành trồng trọt. Mới đây, Trà Vinh đưa ra mục tiêu phát triển 28.000 ha dừa đến năm 2030, đồng thời tăng tỷ lệ dừa hữu cơ gắn với cấp mã số vùng trồng để đẩy mạnh xuất khẩu.
Toàn tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 27.500 ha diện tích dừa, trong đó có khoảng 5.000 ha canh tác hữu cơ. Cây dừa tỉnh Trà Vinh cho năng suất khá cao với hơn 16 tấn/ha, tổng sản lượng hàng năm khoảng 400.000 tấn.
Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng giá trị cây dừa mang về chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân người dân còn sản xuất manh mún, thiếu liên kết, mới chỉ khoảng 20% diện tích được bao tiêu. Vì thế, nâng cao chất lượng, giá trị cho chuỗi ngành hàng dừa địa phương đang là ưu tiên của địa phương này.
Cụ thể, tập trung mở rộng diện tích dừa hữu cơ, nâng cao các vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu, chọn tạo giống mới nhằm nâng cao năng suất và chất lượng. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích dừa của tỉnh Trà Vinh ổn định, kim ngạch xuất khẩu tăng 5% mỗi năm.
Mỗi năm, các sản phẩm từ dừa đóng góp khoảng 10% giá trị sản xuất của ngành trồng trọt
Phát triển giống dừa mới năng suất cao
Xác định giống là yếu tố then chốt quyết định năng suất và chất lượng dừa, tỉnh Trà Vinh đang chỉ đạo các sở ngành liên quan phối hợp với các viện, trường nghiên cứu, tạo ra các giống dừa mới năng suất và chất lượng cao. Các giống dừa mới sẽ được quy hoạch tập trung sản xuất, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Mạnh dạn chuyển đổi 12 công lúa sang trồng dừa sáp cấy phôi. Sau 7 năm, gia đình ông Đường đã thu về trái ngọt. Chăm sóc đúng quy trình, tỷ lệ sáp cao. Mỗi tháng, ông thu hoạch khoảng 1.000 trái dừa. Sản phẩm được bao tiêu 70.000 đồng/trái. Điều đặn 4 năm qua, mỗi năm gia đình ông thu về gần 900 triệu tiền bán dừa.
Ông Huỳnh Văn Đường - Xã Phong Phú, Cầu Kè, Trà Vinh cho biết: “Thu nhập cũng ổn định, từ 50 - 60 triệu, có tháng 70 - 80 triệu”.
Dừa sáp cấy phôi được trường Đại học Trà Vinh nghiên cứu thành công vào năm 2011. Hơn 10 năm trồng đại trà, kết quả khá tích cực. Tỷ lệ sáp đạt từ 75 - 90%. Cây trồng này cũng phù hợp với các điều kiện thổ nhưỡng khác nhau. Tuy nhiên, do giá thành cao lên đến 800.000 đồng/cây giống nên khá kén người trồng. Quy trình, kỹ thuật canh tác khắt khe. Từ những nguyên nhân đó mà khả năng mở rộng diện tích còn hạn chế.
ThS. Nguyễn Ngọc Trai - Quyền Giám đốc Trung tâm Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Trà Vinh nêu ý kiến: “Khi chúng ta lấy trái giống để cấy phôi, chúng ta phải tuyển chọn kỹ từ những trái có độ sáp dày thì sau này giống mới cho quả sáp chất lượng cao. Ở mùa nắng, khi chúng ta thu hoạch độ sáp dày hơn so với mùa mưa, chế độ chăm sóc phân bón cũng ảnh hưởng rất lớn”.
Hiện tại, trường Đại học Trà Vinh đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao chủ nhiệm đề tài dừa sáp cấy mô, khả năng nhân giống số lượng lớn để kéo giảm giá thành. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh cũng đang quyết liệt triển khai một cuộc cách mạng về nâng cao chất lượng giống dừa.
Ông Nguyễn Quỳnh Thiện - Phó Chủ tịch tỉnh Trà Vinh nhận định: “Tỉnh đang giao cho Đại học Trà Vinh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp đang thực hiện nghiên cứu các loại dừa chất lượng cao theo phương pháp cấy phôi và cấy mô để tạo ra một giống dừa có chất lượng, với giá thành cây giống rẻ, chi phí thấp để bà con nông dân có thể mua để canh tác”.
Hiện tại, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang rà soát, chuyển dần các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dừa. Các diện tích sản xuất mới được quy hoạch tập trung quy mô lớn theo hướng hữu cơ. Mục tiêu là đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người trồng dừa.
Khai thác đa giá trị cây dừa
Trong Hội thảo "Phát triển toàn diện cây dừa tỉnh Trà Vinh" vừa được tổ chức, các nhà khoa học cho rằng, dừa là cây trồng thích hợp và giàu tiềm năng trước thách thức của biến đổi khí hậu. Tỉnh này cần tập trung khai thác tối đa cây trồng này để nâng cao giá trị ngành dừa và tạo ra thu nhập ổn định cho các nhà vườn.
Các nhà khoa học đánh giá, điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh Trà Vinh thích hợp để phát triển cây dừa. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn mặn ngày càng cực đoan, cây dừa sẽ tạo ra sinh kế bền vững cho người dân. Để phát huy được lợi thế cây trồng này, các chuyên gia cho rằng, tỉnh Trà Vinh cần khai thác cây dừa ở nhiều giá trị khác nhau. Việc phát triển vườn dừa cần gắn liền với các khu du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, tạo giá trị gia tăng từ các sản phẩm ẩm thực, thủ công mỹ nghệ từ cây dừa. Đặc biệt tỉnh Trà Vinh cần nghiên cứu để khai thác tín chỉ carbon.
PGS. TS. Lê Anh Tuấn - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ nêu ý kiến: “Chúng ta có 130.000 ha cây dừa và trong tương lai, chúng ta có thể phát triển 150.000 ha. Qua một số nghiên cứu của chúng tôi, 1 ha có thể hấp thu được khoảng từ 25 - 75 tấn carbon. Điều này giúp chúng ta mạnh dạn đề xuất các nghiên cứu, chính sách phát triển diện tích trồng dừa, phát triển kinh tế cũng như đảm bảo về môi trường”.
Trà Vinh có gần 7 triệu cây dừa, tỉnh có thể khai thác một cách hiệu quả tín chỉ carbon từ cây trồng này. Mỗi năm, tỉnh Trà Vinh có thể thu về từ 3 - 10 triệu USD từ sản phẩm này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!