Sáng nay (26/9), Hội nghị Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã khai mạc tại TP Cần Thơ.
Sau lễ khai mạc, hội nghị đã chia thành 3 phiên thảo luận theo chuyên đề: Tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì; Phát triển Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở do Bộ NNPT&NT chủ trì; Quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng do Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì.
Tại phiên thảo luận do Bộ NN&PTNT chủ trì, những tổn thương quá lớn của nông nghiệp nông thôn trong đợt hạn mặn lịch sử vừa qua là cơ sở quan trọng để các bên nhận diện được thách thức. ĐBSCL đã bộc lộ nhiều bất cập cho thấy mô hình phát triển hiện tại không còn phù hợp, ĐBSCL mới chỉ có bát cơm đầy mà thiếu nhiều thứ khác để phát triển bền vững.
Ý kiến của các đại biểu đều cho thấy việc tập trung quá mức vào sản xuất lúa thâm canh 3 vụ/năm đã tác động nghiêm trọng đến không gian chứa lũ, dòng chảy lũ, nước ngầm, độ phì nhiêu của đất và môi trường. Phát triển thủy sản thiếu bền vững cũng gây tổn hại nghiêm trọng đến rừng ngập mặn các vùng ven biển, làm gia tăng sạt lở và xâm nhập mặn. 562 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 786km là một thách thức tồn tại của khu vực.
Phát biểu tại chỉ đạo tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là phải tìm ra một mô hình phát triển mới nhằm mục tiêu cao nhất là đảm bảo sinh kế và đảm bảo cuộc sống cho người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!