Đến năm 2030, đồng bằng sông Cửu Long đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ. Ảnh: Báo Chính phủ.
Những nội dung đáng chú ý trong Quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2030 tầm nhìn 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt.
Vùng sẽ trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao với giá trị gia tăng khoảng 20-25% vào năm 2030. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với điều kiện tự nhiên theo 3 tiểu vùng sinh thái dựa theo nguồn nước ngọt, lợ, mặn.
Kinh tế tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 6,5%/năm. Quy mô nền kinh tế (GRDP) năm 2030 lớn hơn 2-2,5 lần so với năm 2021; năm 2030, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GRDP khoảng 20%; công nghiệp - xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; thuế và trợ cấp khoảng 2%.
Phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 04 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ sẽ được chú trọng phát triển nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản.
Về du lịch, ĐBSCL sẽ trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái.
Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối giữa các khu và điểm du lịch trong vùng, liên vùng và quốc tế trong đó chú trọng phát triển hệ thống cảng du lịch trên sông Tiền, sông Hậu và cảng du lịch tàu biển tại các tỉnh ven biển. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường đào tạo nghề dịch vụ du lịch, góp phần chuyển đổi nghề bền vững cho lao động nông thôn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!