Phó Thủ tướng: Không để sơ hở, cơ chế xin - cho trong mua bán điện

Thùy Linh-Thứ tư, ngày 12/06/2024 20:41 GMT+7

VTV.vn - Liên quan đến việc xây dựng chính sách mua bán điện trực tiếp, Phó Thủ tướng yêu cầu cần quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chính sách này...

Ngày 12/6, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Theo Phó Thủ tướng, việc xây dựng Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các nguồn điện, nhất là trong việc khuyến khích, thu hút đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm áp lực phát triển nguồn điện lên Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. 

Đồng thời, các cơ chế này góp phần làm cho thị trường điện lực trở lên công khai, minh bạch, cạnh tranh và lành mạnh hơn. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ chế là không dễ dàng, do đó, phải hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến nhiều chiều trong quá trình xây dựng. 

Phó Thủ tướng: Không để sơ hở, cơ chế xin - cho trong mua bán điện - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Về chính sách mua bán điện trực tiếp (DPPA), Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu xây dựng chính sách có độ mở, theo cơ chế thị trường; cần quy định rõ các hình thức mua bán điện trực tiếp, đồng thời quy định trách nhiệm của bên mua, bên bán, người mua và Nhà nước; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chính sách này, nhất là công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả, tuyệt đối không để sơ hở, xảy ra cơ chế xin - cho.

Đối với trường hợp bên mua, bên bán ký hợp đồng trực tiếp và kết nối đường dây trực tiếp với nhau (trực tiếp về vật lý), không thông qua hệ thống lưới điện của quốc gia cần nêu rõ Quy hoạch điện VIII không hạn chế về quy mô công suất, các dự án phát triển điện NLTT (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà), điện sản xuất từ rác, điện sinh khối chỉ cần phù hợp với Quy hoạch tỉnh; cần quy định cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể (về thuế VAT, môi trường, phòng cháy chữa cháy, điều kiện kỹ thuật đảm bảo an toàn trong sản xuất và sử dụng điện, an toàn trong xây dựng), trình tự thủ tục đơn giản để khuyến khích tối đa.

Không quy định cứng về hợp đồng mà để các bên tự thỏa thuận theo cơ chế thị trường; đồng thời quy định rõ, tách bạch cơ chế mua bán điện trực tiếp đối với loại hình điện mặt trời mái nhà tại các Khu công nghiệp, nhà dân.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước và của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia trong việc công bố công khai minh bạch về nhu cầu phụ tải của từng khu vực, vùng, miền và khả năng điều độ, tính toán khả năng truyền tải, để công bố công suất nguồn điện năng lượng tái tạo có thể hấp thụ tại các khu vực. EVN phải thường xuyên cung cấp thông tin về quy mô các nguồn điện năng lượng tái tạo được ký kết hợp đồng mua bán điện để báo cáo với Bộ Công Thương có lộ trình điều chỉnh phù hợp đối với các loại điện nền như than, khí, thủy điện…

Phó Thủ tướng cũng lưu ý xây dựng và công bố công khai về các chi phí (đảm bảo tính đúng, tính đủ) khi sử dụng dịch vụ hệ thống truyền tải của EVN (hoặc bên thứ 3), phí dịch vụ truyền dẫn điện, sử dụng hạ tầng, phí tổn thất để người mua, người bán cân nhắc.

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm cung ứng điện, hoàn thiện chính sách mua bán điện Thủ tướng yêu cầu bảo đảm cung ứng điện, hoàn thiện chính sách mua bán điện

VTV.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có Công điện việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước