Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, số lượng thanh toán không dùng tiền mặt tăng trung bình hơn 50% mỗi năm. Đặc biệt, khi thời điểm cuối năm đến, nhiều ngân hàng đã phải chủ động các giải pháp để tránh tắc nghẽn cho các giao dịch thanh toán.
Những chiếc máy ATM ngày càng ít người sử dụng, vì người dân đã chuyển sang thanh toán không sử dụng tiền mặt. Tính trung bình mỗi tháng, hệ thống ngân hàng xử lý khoảng 1 tỷ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Và trong những tháng cuối năm, con số này còn cao hơn rất nhiều.
Cũng giống như tham gia giao thông vào giờ cao điểm, lượng giao dịch cũng có thể bị ùn ứ. Để giải quyết tình trạng tắc đường, một là phải phân luồng giao thông từ sớm, từ xa hoặc mở thêm đường. Các ngân hàng cũng vậy, nhiều ngân hàng đã nâng cấp hệ thống của mình để đảm bảo cho các giao dịch được an toàn, thông suốt.
Mỗi tháng, cửa hàng quần áo có gần 1.000 đơn hàng, đa phần đều nhận chuyển khoản. Do đó, họ rất cần các giao dịch thông suốt.
Chị Vũ Thị Thuyến - Quản lý cửa hàng Thời trang Hebe chia sẻ: "Vào những tuần cuối năm, các giao dịch sẽ tăng gấp rưỡi, đôi khi gấp đôi so với các ngày bình thường".
Chị Nguyễn Kim Ngân - Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng: "Cuối năm, tôi mong muốn nhất là các ứng dụng ngân hàng có thể giao dịch một cách trơn tru, mượt mà hơn".
Các ngân hàng cũng mở rộng hệ sinh thái đa dạng các dịch vụ thanh toán số
Để tránh gián đoạn giao dịch, ngân hàng đã mở thêm tài khoản thanh toán riêng trên kênh số, với tốc độ xử lý giao dịch tăng gấp nhiều lần. Các ngân hàng cũng mở rộng hệ sinh thái đa dạng các dịch vụ thanh toán số để tạo thuận lợi hơn cho người dùng.
Ông Lê Hồng Phúc - Phó Tổng Giám đốc Agribank nhận định: "Trong các giao dịch thanh toán, trước kia chúng ta chỉ đi một đường. Hiện nay, với giải pháp này, chúng ta sẽ tạo thêm những luồng lạch mới, những đường đi mới để khách hàng không bị tắc nghẽn, tắc đường này sẽ đi đường khác. Giải pháp này làm tăng tốc độ xử lý giao dịch thanh toán của khách hàng lên nhanh gấp gần chục lần, đồng thời dung lượng để xử lý các giao dịch thanh toán trong thời điểm cao điểm nhất có thể lên gấp 20 lần so với giao dịch hiện nay".
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ Trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đưa ra ý kiến: "Hiện nay không có nghĩa dùng app ngân hàng chỉ thực hiện các giao dịch tài chính thông thường. Chúng ta có thể gọi taxi, thanh toán tiền điện, tiền nước. Ngược lại từ app doanh nghiệp, chúng ta có thể thực hiện được các giao dịch để trích nợ tự động để thanh toán thẻ một cách tự động mà các giao dịch đó trước đây chỉ có thể thực hiện từ phía các ngân hàng".
Để đảm bảo an toàn, các ngân hàng cũng áp dụng công nghệ dữ liệu lớn, A.I, bảo mật đa lớp...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!