Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Phòng vệ Thương mại - VCCI.
Ngày 14/10, Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo công bố kết quả điều tra nghiên cứu vấn đề: Điều gì cản trở doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các công cụ Phòng vệ Thương mại (PVTM) để tự bảo vệ trước hàng hóa nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang (bên phải) - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập trình bày nghiên cứu về những khó khăn trong việc sử dụng các công cụ PVTM.
Việt Nam gia nhập WTO từ năm 2007 và kí kết hiệp ước thương mại Tự do ASEAN (AFTA) vào năm 1996. Sau 8 năm gia nhập WTO tính tới tháng 10/2015, hàng hóa Việt Nam tại nước ngoài bị điều tra PVTM lên đến gần 100 vụ. Trong khi đó, số lượng vụ điều tra PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam chỉ có 4 vụ. Từ thực tiễn trên, có thể nhận thấy phần lớn vụ việc tại Việt Nam là điều tra áp dụng biện pháp tự vệ. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa sử dụng nhiều công cụ PVTM, năng lực và kinh nghiệm của cả doanh nghiệp đi kiện lẫn cơ quan điều tra còn hạn chế. Mới đây nhất, vụ viêc đùi gà Mỹ nhập khẩu được bán với giá rẻ khiến người chăn nuôi Việt Nam điêu đứng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang rất lúng túng trước tình thế này và vẫn chưa quyết định được có nên sử dụng PVTM hay không và nếu sử dụng PVTM thì nên dùng công cụ nào.
Tại hội thảo, nhiều vấn đề về việc Việt Nam mở cửa cho hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài và những nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nước ngoài tại Việt Nam được đưa ra bàn luận. Thực tế trong thời gian qua, trên thị trường đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của thị trường hàng nhập khẩu ồ ạt được bán với giá rẻ đặc biệt, khiến doanh nghiệp và nông dân Việt Nam điêu đứng trong việc giao thương và khó cạnh tranh. WTO và pháp luật Việt Nam đã cung cấp biện pháp PVTM để doanh nghiệp đối phó với những hiện tượng này, cụ thể là 3 công cụ: kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại đang rất lúng túng trước những công cụ này.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng thừa nhận sự yếu kém trong việc hiểu biết về phòng vệ thương mại.
Tình hình sử dụng công cụ PVTM tại Việt Nam còn có thêm một đặc điểm nữa, là nguyên đơn khởi kiện trong các vụ việc đa số đang nắm giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Đây là đặc điểm quan trọng nhất, trong tất cả các vụ kiện, nguyên đơn đều là các doanh nghiệp có thị phần lớn, vì vậy, những công cụ PVTM vẫn được xem là công cụ của nhà giàu, chưa phải là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích cho các doanh nghiệp nhỏ. Đây chính là con dao hai lưỡi, đòi hỏi Nhà nước phải có sự chú ý đặc biệt để tránh nguy cơ các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường lạm dụng công cụ này để bảo vệ vị trí của mình, gây những thiệt hại tới cạnh tranh nói chung.
Có thể nói, ở những nước có hội nhập càng cao thì hành vi cạnh tranh không lành mạnh càng trở nên tinh vi. Hiện nay, 4/5 hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra nhiều nước nằm trong top những hàng hóa bị cạnh tranh nhiều nhất, vậy nên mọi doanh nghiệp cần phải xem PVTM là một phần trong chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, để “đánh thức” một nhóm công cụ đã “ngủ quên” gần 10 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO là một việc không hề đơn giản. Vậy nên cần phải có các giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp, từ đó tăng hiệu quả sử dụng công cụ PVTM đã được xây dựng trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm nước ngoài cũng như cân nhắc điều kiện thực tế của Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!