Phục hồi thị trường lao động: Khởi sắc nhưng thiếu tính bền vững

VTV Digital-Thứ năm, ngày 08/10/2020 06:28 GMT+7

VTV.vn - Thị trường lao động Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc nhưng chỉ ở một bộ phận lao động không chính thức, còn lao động chính thức chưa có cải thiện nhiều.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê, 9 tháng đầu năm, 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 như bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, hay giảm thu nhập.

Đặc biệt, một số ngành có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng lớn như: Ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí có tới 88% lao động trong ngành bị ảnh hưởng; Dịch vụ lưu trú và ăn uống là 81,7%; Vận tải kho bãi 79,7%, công nghiệp chế biến chế tạo 70,1%; Giáo dục đào tạo 68,5%; Kinh doanh bất động sản 67,8%.

Trong bối cảnh ảm đạm so với cùng kỳ năm trước, tín hiệu tích cực là lực lượng lao động có việc làm đã tăng thêm 1,4 triệu người so với quý trước, cho thấy dấu hiệu phục hồi. Đặc biệt là đối với khu vực lao động phi chính thức, khi có tới 1,2/1,4 lao động tăng trở lại trong quý III, chiếm tới 86%.

Phục hồi thị trường lao động: Khởi sắc nhưng thiếu tính bền vững - Ảnh 1.

Thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi. (Ảnh minh họa - Báo Đầu tư)

Lao động phi chính thức phục hồi nhanh hơn lao động chính thức

Thông tin từ Tổng cục thống kê, tính chung 9 tháng năm 2020, thu nhập của lao động phi chính thức thấp hơn 1,5 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức.

"Thu nhập của người lao động quý này cải thiện hơn so với quý trước. Cu thể, thu nhập người lao động quy III bình quân đạt 5,5 triệu đồng, tăng 258.000 đồng so với quý trước, giảm 115.000 đồng so với cùng kỳ năm trước", bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho biết.

Tuy nhiên, việc lao động phi chính thức đang phục hồi nhanh hơn lao động chính thức cũng cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động hiện còn thiếu tính bền vững. Bởi lao động phi chính thức được coi là bộ phận lao động phải đối mặt với nhiều thiệt thòi và bất lợi, khó tiếp cận với các chế độ phúc lợi và bảo hiểm xã hội.

Đối với lực lượng lao động chính thức, 1/3 số doanh nghiệp được Tổng cục Thống kê khảo sát đã buộc phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động trong 9 tháng đầu năm và dự báo con số này sẽ còn tăng nhẹ từ nay tới cuối năm.

Nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

Liên quan tới gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, sau 4 tháng triển khai, đã giải ngân được 11,9 nghìn tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 12%. Đáng chú ý trong đó, gói hỗ trợ cho vay 16.000 tỷ đồng để doanh nghiệp có thể trả lương cho người lao động trong bối cảnh sản xuất kinh doanh bị đình trệ, tới nay vẫn chưa phát huy tác dụng, chưa có bất kỳ doanh nghiệp nào tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Đây cũng là điểm nghẽn được Bộ LĐ-TB&XH thẳng thắn nhìn nhận và đề xuất sửa đổi, tháo gỡ theo hướng nới lỏng điều kiện để nâng cao khả năng tiếp cận hỗ trợ của doanh nghiệp và người lao động.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM, đa phần đều đón nhận những đề xuất sửa đổi này và kỳ vọng gói hỗ trợ sớm phát huy hiệu quả thực tiễn.

Phục hồi thị trường lao động: Khởi sắc nhưng thiếu tính bền vững - Ảnh 2.

Hỗ trợ người lao động không chỉ dừng ở hỗ trợ vật chất, mà nhiều ý kiến còn cho rằng, cần tập trung hỗ trợ đào tạo nghề. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Tại TP.HCM, hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp lữ hành đang gặp khó vì dịch COVID-19, trong đó 90 - 95% đã phải tạm dừng hoạt động. Hầu hết các doang nghiệp lưu trú còn lại cũng đang cũng đang cố gắng cần cự.

Không ít ý kiến cho rằng, thay đổi chính sách hỗ trợ người lao động không chỉ đòi hỏi sự kịp thời, mà còn phải hiệu quả trong khâu thực thi, để hỗ trợ đến đúng thời điểm và đúng đối tượng.

Hỗ trợ người lao động không chỉ dừng ở hỗ trợ vật chất, mà nhiều ý kiến còn cho rằng, cần tập trung hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động để chuyển đổi sản xuất, thích nghi với bối cảnh mới. Đặc biệt là cần chú trọng hỗ trợ các lĩnh vực công nghệ, giao thông vận tải, thương mại điện tử, để giảm áp lực thất nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước