Hàng loạt quốc gia châu Âu đang tìm đến Qatar với hy vọng sẽ tìm được nguồn cung dài hạn với giá cả hợp lý.
Hungary đã trở thành quốc gia châu Âu mới nhất chính thức bày tỏ ý muốn ký hợp đồng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG dài hạn với Qatar. Hiện chưa rõ nội dung chi tiết của các cuộc đàm phán, nhưng Hungary cần nguồn cung mới thay thế Nga, quốc gia đang cung cấp cho Hungary 4,5 tỷ m3 khí đốt mỗi năm trong bản hợp đồng kéo dài 15 năm.
"Hungary mong muốn tìm kiếm nguồn cung khí đốt mới. Qatar đang cho thấy những bước phát triển lớn trong việc khai thác và vận chuyển LNG", ông Peter Szijjarto, Bộ trưởng ngoại giao Hungary, cho biết.
Một tàu chở LNG từ Qatar. (Ảnh: Forbes)
Trước Hungary, Đức đã ký bản hợp đồng kéo dài 15 năm với Qatar. Công ty năng lượng của Qatar, QatarEnergy, sẽ bán cho các nhà nhập khẩu năng lượng của Đức 2 triệu tấn khí đốt hóa lỏng mỗi năm kể từ năm 2026. Đây là bản hợp đồng dài hạn đầu tiên của Qatar với nước Đức.
Trong khi nhu cầu của các quốc gia châu Âu rất lớn, Qatar cho biết nước này sẽ chỉ tìm cách mở rộng năng lực cung ứng một cách tuần tự và sẽ không từ bỏ các hợp đồng sẵn có với khu vực châu Á.
"Chúng tôi cam kết bán cho châu Âu khối lượng khí đốt theo đúng nội dung hợp đồng, và chúng tôi sẽ không cắt giảm nguồn cung dành cho châu Á để chuyển dòng chảy sang châu Âu", ông Saad Al-Kaabi, Bộ trưởng Năng lượng Qatar, nhấn mạnh.
Với dự trữ 23,8 nghìn tỷ m3, Qatar là quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn thứ 2 thế giới sau Nga. Nước này cũng đứng thứ 4 thế giới về năng lực sản xuất khí đốt với quy mô 171 tỷ m3 mỗi năm.
Do vị trí địa lý nằm gần châu Âu, Qatar được xem như nhà cung cấp triển vọng nhất cho khu vực này trong các năm tới. Năm 2021, Qatar đã cung cấp 21% tổng lượng nhập khẩu khí đốt của toàn châu Âu, tỷ lệ này sẽ tăng lên đáng kể khi các bản hợp đồng mới có hiệu lực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!