Hiện trên thị trường có gần 30 ví điện tử được cấp phép đang hoạt động. Trong đó, ví điện tử phổ biến nhất có hơn 8 triệu tài khoản.
Trước sự phát triển được dự báo sẽ ngày càng mạnh mẽ của ví điện tử trong thời gian tới, vấn đề được nhiều người quan tâm là lượng tiền mà người dùng nạp vào các ví điện tử lớn đến đâu? Vậy làm thế nào để quản lý, kiểm soát lượng tiền trong các ví điện tử, tránh bị doanh nghiệp huy động để làm việc khác?
Nạp tiền từ tài khoản ngân hàng vào ví điện tử cũng giống như rút tiền từ ATM cho vào ví thật, ít khi nào rút quá nhu cầu tiêu. Ví như nhu cầu tiêu là 1 triệu, thường người dùng tối đa chỉ rút 2 triệu. Do vậy, dù hiện nay đã có gần 10 triệu tài khoản ví điện tử nhưng số tiền thực sự giữ trong các tài khoản ví này theo doanh nghiệp và giới chuyên gia chưa hẳn là lớn.
Tiền nạp vào ví sẽ được chuyển đến một tài khoản bảo chứng của một ngân hàng nào đó. Tiền sẽ được giữ ở đây để đảm bảo thanh khoản, doanh nghiệp không thể sử dụng làm việc khác.
Bên cạnh các loại hình ví điện tử sẵn có, mới đây, các doanh nghiệp lớn như Grab có đề xuất với Chính phủ về việc cho phép người dùng tại Việt Nam có thể mở tài khoản ví điện tử mà không cần có tài khoản ngân hàng.
Đề xuất này được đánh giá có thể giúp thu hút đến 70% dân số Việt Nam hiện chưa có tài khoản ngân hàng có thể dễ dàng sử dụng ví điện tử.
Dù vậy trong trường hợp này, giới chuyên gia cho rằng doanh nghiệp vẫn cần phải đáp ứng đầy đủ quy định về tài khoản bảo chứng theo Thông tư 39. Có như vậy mới tạo niềm tin cho người sử dụng ví điện tử.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!